ĐBQH Bùi Thanh Sơn- Đắk Nông: Hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm

29/07/2016

Ngày 29/7, thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn- Đắk Nông cho rằng, hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng thời kiến nghị Quốc hội và Chính phủ phối hợp nhịp nhàng để tận dụng cơ hội cũng như đương đầu với những thách thức đặt ra trong quá trình hội nhập.

Đại biểu Quốc hội Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Hội trường                                                  Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Bùi Thanh Sơn chia sẻ, gần đây, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm của Việt Nam sẽ hạ xuống ở mức khoảng 6% cho cả năm. Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn thì kinh tế Việt Nam vẫn có rất nhiều yếu tố tích cực, là một điểm sáng ở khu vực, kể cả ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Đại biểu cho rằng, đó là yếu tố rất tích cực mà Việt Nam cần tiếp tục phát huy để thu hút hợp tác quốc tế để phát triển kinh tế- xã hội trong thời gian tới.

Về mục tiêu 6 tháng cuối năm, đại biểu Bùi Thanh Sơn cho rằng, ngoài những mục tiêu trong Báo cáo Chính phủ đã nêu, chúng ta phải coi việc củng cố, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu kinh tế theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh để tạo cơ sở phát triển bền vững trong thời gian tới, đặc biệt, trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và chương trình nghị sự của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 mà chúng ta đã tham gia. Để thực hiện điều đó, theo đại biểu cho rằng, cần phải tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời "khôn khéo" trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; tranh thủ các điều kiện quốc tế và nguồn lực bên ngoài để phục vụ phát triển đất nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Về các giải pháp trong 6 tháng cuối năm, đại biểu tán thành với các nhóm kiến nghị trong Báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề xuất thêm một số kiến nghị:

Thứ nhất, về đối ngoại, tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại trên tất cả các kênh, tất cả các trụ cột kinh tế, kể cả về ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa. Trong đó, ngoại giao kinh tế là trọng tâm phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội. Các ngành, các cấp đều chuyển hoạt động đối ngoại của mình phục vụ cho phát triển kinh tế- xã hội, đưa quan hệ của nước ta vào chiều sâu trên các lĩnh vực thông qua các chương trình hành động, chương trình hợp tác rất cụ thể để đạt được hiệu quả đã đề ra.

Thứ hai, đại biểu Bùi Thanh Sơn cho rằng, hội nhập quốc tế là một chủ trương rất lớn. Trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta trong thời gian tới. Việt Nam đã tham gia, ký kết, phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với tiêu chuẩn rất cao. Để tận dụng được cơ hội cũng như đối phó với những thách thức đặt ra, đại biểu cho rằng cần có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng, đồng bộ giữa Quốc hội và Chính phủ. Theo đại biểu, trong thời gian tới, chúng ta có một số nhiệm vụ chính: Một là, phải phê chuẩn các hiệp định thương mại tư do, trước mắt là Hiệp định thương mại tự do TPP. Việc này phải phối hợp về thời điểm, về thời gian để phê chuẩn. Hai là, sớm đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đối với việc nội luật hóa các cam kết quốc tế, trong đó không chỉ các FTA, các hiệp định thương mại tự do mà kể cả các cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia của Liên hợp quốc. Ví dụ, chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 cũng phải đưa vào các chương trình hành động. Ba là, vận động các nước phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do. Bốn là, nâng cao khả năng thực thi của các cơ quan, các địa phương và doanh nghiệp trong triển khai các hiệp định thương mại tự do thì mới có thể tận dụng được các lợi ích mà các hiệp định này mang lại cũng như để ứng phó với các thách thức đặt ra.

Thứ ba, về xuất khẩu và đầu tư, đại biểu Bùi Thanh Sơn cho biết, ngoài việc mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và thu hút đầu tư thông qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do thời gian qua đã tiến hành, các cơ quan của Chính phủ cần phải tích cực giúp đỡ các địa phương, doanh nghiệp trong việc lựa chọn các đối tác chiến lược, lựa chọn các dự án đầu tư có công nghệ và trình độ quản lý cao. Đại biểu nhấn mạnh, vai trò định hướng, kiến tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương của Chính phủ là rất quan trọng.

Cuối cùng, về ứng phó biến đổi khí hậu, đại biểu cho hay, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Đắk Nông và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cũng như một số tỉnh miền Trung đang gặp sự cố về môi trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của người dân. Do đó, trước mắt, ngoài các giải pháp hỗ trợ và ổn định đời sống sản xuất của vùng bị thiên tai, chúng ta cần phải có kế hoạch dài hạn, tranh thủ hợp tác quốc tế. Bởi đại biểu cho biết, có rất nhiều đối tác quốc tế muốn hợp tác và hỗ trợ chúng ta trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Nguyễn Phương lược ghi

Các bài viết khác