ĐBQH Nguyễn Thanh Phương- TP Cần Thơ: Cần chú trọng công tác dự báo và nghiên cứu khoa học về môi trường

29/07/2016

Chiều 29/7, thảo luận tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2016, đại biểu Nguyễn Thanh Phương- TP Cần Thơ cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã gặp nhiều sự cố môi trường, do vậy, việc đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo và nghiên cứu khoa học để ứng phó với biến đổi khí hậu là vô cùng cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương phát biểu tại Hội trường                                              Ảnh: Đình Nam

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho biết, hạn mặn, thiếu nước đang xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã gây ảnh hưởng rất lớn đến ngành nông nghiệp thủy sản- lĩnh vực quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước. Trước tình trạng này, Chính phủ và các địa phương, các nhà khoa học đã có những giải pháp khá kịp thời hỗ trợ đời sống người dân, khắc phục những khó khăn trong sản xuất, kịp thời thông qua các giải pháp khoa học kỹ thuật, điều chỉnh mùa vụ sản xuất phần nào đã khắc phục những ảnh hưởng được cử tri đã đánh giá rất cao.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, những giải pháp của Chính phủ, cũng như các địa phương còn khá lúng túng vì chưa có sự chuẩn bị. Là một người làm thực tế rất nhiều năm trong ngành nông nghiệp và thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Nguyễn Thanh Phương nhận thấy có một số vấn đề cần kiến nghị để các Bộ, ngành, cũng như Chính phủ quan tâm trong thời gian tới liên quan tới vấn đề giải pháp ứng phó vấn đề tác động của biến đổi khí hậu ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Một là, đối với việc Hà Lan chuẩn bị đầu tư một dự án khá lớn cho vùng đồng bằng sông Cửu Long để thích ứng với biến đổi khí hậu, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đề nghị, Chính phủ cùng các bộ, ngành, các địa phương, các nhà khoa học cố gắng sử dụng hợp lý nguồn tài chính này, nhanh chóng xây dựng được các giải pháp ứng phó kịp thời, thích nghi được với tác động của biến đổi khí hậu. Bởi lẽ, theo đại biểu, biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai và nó đang diễn ra sớm hơn so với chúng ta dự báo. Nếu chúng ta thiếu các giải pháp thì tác động của biến đổi khí hậu đối với sản xuất của vùng đồng bằng sông Cửu Long là không hề nhỏ, vì nó ảnh hưởng không chỉ cả vùng đồng bằng sông Cửu Long mà còn ở cả nước.

Hai là, đề nghị cần đầu tư nhiều hơn cho công tác dự báo và nghiên cứu khoa học phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Mặc dù vấn đề này nhiều nhà khoa học đã làm trong thời gian qua, tuy nhiên nguồn lực, tài chính còn chưa đủ. Do vậy, đề nghị Chính phủ cũng như các bộ cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để có các giải pháp phù hợp giúp nền nông nghiệp Việt Nam có thể thích ứng được, chịu được tác động của biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong tương lai.

Ba là, đối với vấn đề quản lý, sử dụng tài nguyên nước, đại biểu cho rằng, đây là vấn đề ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, vì thế Chính phủ cần có chính sách và giải pháp tốt hơn để bảo vệ và khai thác nguồn nước. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh việc đàm phán trong sử dụng nguồn nước sông Mê Kông với các quốc gia có quyền lợi và nghĩa vụ với nguồn nước này; hạn chế sự phụ thuộc hoặc phải đề nghị điều tiết nước đối với các quốc gia thượng nguồn như trong thời gian qua chúng ta đã làm và không có hiệu quả cao.

Tiếp đến, về vấn đề môi trường, đại biểu cho biết, trong những tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã gặp nhiều sự cố môi trường đặc biệt ở miền Trung. Tuy nhiên, từ thực tế công tác cũng như ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học, đại biểu đã nhấn mạnh đến 4 vấn đề lớn mà chúng ta cần lưu ý:

Một là, các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường chưa tốt, chưa đầy đủ, chưa phù hợp, còn có những kẽ hở nên hiệu quả quản lý chưa cao.

Hai là, công tác giám sát, kiểm tra quan trắc cảnh báo môi trường của các cơ quan có trách nhiệm chưa sâu sát và còn nhiều bất cập.

Ba là, khả năng thẩm định phê duyệt và quy trình vận hành công nghệ trong xử lý nước thải của các khu công nghiệp nhà máy chưa tốt, còn nhiều bất cập.

Bốn là, năng lực quan trắc cảnh báo môi trường của chúng ta chưa đồng bộ, chưa mạnh dẫn đến không kịp thời phát hiện để ngăn chặn, xử lý những vấn đề phát sinh về môi trường. Từ thực tế đó, đại biểu Nguyễn Thanh Phương đã đề xuất 4 giải pháp:

Thứ nhất, cần nhanh chóng rà soát, đánh giá lại các chính sách, quy định liên quan đến công tác bảo vệ môi trường để điều chỉnh, bổ sung và giúp cho công tác quản lý môi trường được tốt hơn.

Thứ hai, cần có đầu tư trang thiết bị, phương pháp phân tích đánh giá cho công tác quan trắc môi trường kịp thời và đồng bộ để nâng cao hiệu quả quan trắc, cảnh báo môi trường góp phần cho công tác bảo vệ môi trường.

Thứ ba, đầu tư nhiều hơn cho công tác nghiên cứu khoa học về môi trường để giúp công tác bảo vệ môi trường ngày càng hiệu quả.

Cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả của công tác thẩm định, thẩm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất hay hoạt động có xả thải về môi trường.

Nguyễn Phương lược ghi

Các bài viết khác