Đại biểu Hoàng Văn Cường- TP Hà Nội: Quy định đấu giá viên tạo ra rào cản cho những người muốn hành nghề đấu giá

26/10/2016

Sáng 24/10, các đại biểu làm việc tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật đấu giá tài sản. Đại biểu Hoàng Văn Cường- TP Hà Nội cho rằng, quy định đấu giá viên như hiện nay có thể tạo ra những rào cản cho những người muốn hành nghề đấu giá, có năng lực đấu giá nhưng không được tham gia.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu tại Hội trường                                          Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về dự án Luật đấu giá tài sản, đại biểu Hoàng Văn Cường cơ bản đồng tình với bản báo cáo, tiếp thu, giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Về đấu giá viên, đại biểu cho rằng, quy định đấu giá viên như hiện nay có thể tạo ra những rào cản cho những người muốn hành nghề đấu giá, có năng lực đấu giá nhưng không được tham gia. Bởi vì, Khoản 2, Điều 10 quy định: Đấu giá viên phải có bằng cử nhân luật, kinh tế, kế toán, tài chính hoặc ngân hàng. Việc quy định các bằng cấp như thế này là không phù hợp với danh mục đào tạo các ngành, mã ngành cấp 4 đang ban hành và sử dụng hiện nay. Ví dụ, không có bằng về ngân hàng, cũng không có bằng về tài chính. Trong khi đó có nhiều bằng cấp khác trong danh mục đào tạo cấp 4 như quản trị kinh doạnh là những lĩnh vực rất phù hợp cho hành nghề đấu giá viên thì trong này lại không được thực hiện đấu giá. Hoặc những ngành như bất động sản, quản lý đất đai là những ngành đang được đưa vào trong danh mục những ngành được thực hiện hành nghề định giá bất động sản, định giá đất đai thì không được đưa vào trong hành nghề đấu giá.

Điểm thứ hai, Khoản 1, Điều 11 lại quy định: Chỉ những người có đủ tiêu chuẩn hành nghề đấu giá mới được tham gia và đào tạo. Đây là điều cũng không phù hợp, vì giữa đào tạo và hành nghề là hai việc khác nhau. Có nhiều người có thể mong muốn được đào tạo để có kiến thức về vấn đề này có thể người ta không hành nghề đấu giá nhưng người ta sẽ thực hiện việc bán tài sản tốt hơn. Vì vậy, đại biểu đề nghị không nên giới hạn điều kiện những người đủ tiêu chuẩn hành nghề mới được học đấu giá.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng hoàn toàn đồng tình với ý kiến không nên quy định thời gian học, khóa học đấu giá phải là 6 tháng mà chỉ quy định chương trình học và những kết quả đạt được, đặc biệt là những kỹ năng thu được sau khóa học. Còn thời gian học là bao nhiêu và hình thức học như thế nào thì hiện nay chúng ta thấy phát triển rất đa dạng và nó mới phù hợp được với các đối tượng khác nhau khi tham gia khóa học.

Điểm thứ ba, Khoản 5, Điều 13 có quy định Bộ Tư pháp thành lập hội đồng kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá, việc quy định Bộ Tư pháp phải là một thành viên của hội đồng cũng là điều không phù hợp. Bởi vì, việc kiểm tra kỹ năng hành nghề và đạo đức nghề nghiệp việc này không thể thực hiện thông qua một cuộc thi hay một cuộc kiểm tra mà việc này phải thực hiện thông qua quá trình người thực tập thực hành việc này trong thực tế mà do cơ sở hành nghề đó người ta phải đánh giá và xác nhận. Chính vì vậy một hội đồng thi để đánh giá về kỹ năng và tiêu chuẩn đạo đức tôi thấy không phù hợp, hội đồng thi này chỉ có thể đánh giá được về mặt lý thuyết tức là việc kiến thức về pháp luật đấu giá nhưng kiến thức pháp luật đấu giá chúng ta đã có trong chương trình đào tạo và đã được thi đánh giá, kiểm tra ở đó.

Do đó, đại biểu đề nghị không nên quy định tổ chức một hội đồng kiểm tra về kỹ năng thực tập của người thực hành nghề đấu giá; có thể phải tăng thời gian thực tập hành nghề lên, bởi lẽ trên thế giới việc thực tập hành nghề có nhiều nước quy định từ một đến hai năm và đặc biệt người thực tập hành nghề phải trực tiếp tham gia vào quá trình chuẩn bị cho cuộc đấu giá và phải trải qua trực tiếp điều hành cuộc đấu giá từ 3 đến 5 cuộc đấu giá, tất nhiên người đấu giá viên phải chịu trách nhiệm về việc đó nhưng người hành nghề, thực hành đấu giá giống như người thực tập lái xe thì lái xe nhưng lái xe trên đường thì người dạy lái xe phải chịu trách nhiệm về việc xảy ra hậu quả.

Minh Hằng lược ghi

Các bài viết khác