Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên- tỉnh Long An: Không mở rộng phạm vi bồi thường sang lĩnh vực ban hành chính sách pháp luật

25/11/2016

Chiều 11/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIV, các đại biểu làm việc tai Hội trường, thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Liên- tỉnh Long An đồng tình với việc không mở rộng phạm vi bồi thường sang lĩnh vực ban hành chính sách pháp luật.

ĐBQH Hoàng Văn Liên phát biểu tại hội trường Ảnh: Đức Nam

ĐBQH Hoàng Văn Liên phát biểu tại hội trường                                                    Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về dự án luật, đại biểu Hoàng Văn Liên thống nhất với phạm vi trách nhiệm bồi thường của nhà nước tập trung vào 3 lĩnh vực: Quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án như dự thảo đã nêu. Vì đây là các lĩnh vực quan trọng nhất, liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và đời sống hàng ngày của người dân. Đồng thời, đại biểu cũng thống nhất không mở rộng phạm vi bồi thường sang lĩnh vực ban hành chính sách pháp luật, vì không khả thi và khó xác định được hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong lĩnh vực này.

Theo đại biểu, dự thảo luật quy định về bồi thường theo phương pháp liệt kê, điều này thuận lợi cho áp dụng luật sau này, nhưng có thể bỏ sót một số trường hợp cụ thể mà chưa liệt kê hết. Ví dụ nhà nước có trách nhiệm bồi thường nếu người thi hành công vụ của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc thi hành án đã ra quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án mà gây thiệt hại. Vấn đề này Tòa án đã có luật cụ thể, còn phía các cơ quan điều tra, kiểm sát và thi hành án thì dự thảo chưa ghi.

Mặt khác, một số điều luật có liên quan quy định trách nhiệm bồi thường nhà nước trong một số trường hợp cụ thể nhưng dự thảo luật lại chưa quy định điều khoản quét nên chưa có cơ chế giải quyết, bồi thường trong lĩnh vực này. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các trường hợp được bồi thường để bổ sung vào dự thảo, đồng thời cần có quy định quét các trường hợp được bồi thường khác do pháp luật quy định để xử lý tồn tại nói trên.

Về phạm vi, trách nhiệm bồi thường trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính, Khoản 5, Điều 19 dự thảo có ghi "nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp ra bản án quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án". Trong khi đó, Điều 28 luật hiện hành quy định "ra bản án quyết định mà biết rõ trái pháp luật hoặc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án”. Như vậy, dự thảo đã mở rộng phạm vi bồi thường so với luật hiện hành để xử lý bồi thường thiệt hại về nhà nước. Trong trường hợp này, người thi hành công vụ phải bị xử hình sự về các tội danh nói trên về hình thức lỗi cố ý.

Hiện nay Bộ luật hình sự năm 2015 không sửa đổi về các tội này, việc sửa quy định trách nhiệm về bồi thường nhà nước nêu trên là không căn cứ vào yếu tố lỗi. Như vậy, ngay cả trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý mà gây thiệt hại, vẫn phải bồi thường, đại biểu cho rằng, quy định này khó khả thi, gây áp lực lớn đến công vụ, lên quan lớn, lên thẩm phán. Do đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định này trong luật hiện hành.

Vân Ngọc lược ghi

Các bài viết khác