Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – TP.Hà Nội: đề nghị lùi thời điểm giám sát về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài cho phù hợp với thực tiễn

01/06/2017

Chiều 31/5, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về chương trình hoạt động giám sát năm 2018. Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai – TP.Hà Nội cho rằng việc lựa chọn thực hiện giám sát chuyên đề cần cần nhắc tính hợp lý của thời điểm giám sát.

Hình ảnh đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - TP.Hà Nội phát biểu trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3           Ảnh: Đình Nam

Cho ý kiến về chuyên đề giám sát việc thực hành chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng đây là một chuyên đề giám sát rất mang tính cần thiết, có tác động nhiều đến nguồn lực ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, nếu chọn thời điểm giám sát là năm 2018 thì cần cân nhắc thêm để đảm bảo tính hợp lý với một số lý do như sau:

Thứ nhất, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã xem xét kế hoạch đầu tư công trung hạn và trước đó để xem xét thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn thì Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiến hành nhiều hoạt động giám sát liên quan đến đánh giá kết quả việc thực hiện nguồn lực đầu tư công, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ cũng như vốn ODA. Trên cơ sở đó Quốc hội đã ban hành hai nghị quyết, đó là Nghị quyết 26 về kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch tài chính trung hạn là kế hoạch theo Nghị quyết số 25. Hai Nghị quyết số 25 và Nghị quyết số 26 đã đề ra rất nhiều giải pháp quan trọng. Riêng Nghị quyết số 25 đề ra 9 giải pháp sử dụng nguồn lực ngân sách, trong đó có nguồn lực đầu tư công và riêng Nghị quyết số 26 cũng đề ra 5 giải pháp, trong đó sử dụng nguồn vốn đầu tư công có vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA.

Thứ hai, theo đại biểu, việc giám sát tại thời điểm hiện nay để đánh giá tình hình thực hiện trong năm 2016 - 2017 cũng chưa thực sự hợp lý. Mặc dù, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn, song đến thời điểm hiện nay thì việc phân bổ vốn cũng chưa hoàn thành. Theo báo cáo của Chính phủ hiện mới chỉ phân bổ được lần 1, dự kiến sẽ vào tháng 6. Hiện còn hơn 44.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ chưa được phân bổ cho các dự án, vì thủ tục đầu tư chưa hoàn tất.

Bên cạnh đó, một loạt các dự án tới đây cũng sẽ được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét như dự án đường cao tốc Bắc - Nam, dự án sân bay quốc tế Long Thành, tuyến đường ven biển, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều nội dung khác. Nếu tính đến thời điểm hiện nay, việc triển khai phân bổ vốn còn chưa hoàn thành. Do vậy, nếu như Quốc hội triển khai việc giám sát tình hình thực hiện, thì căn cứ để giám sát cũng chưa đầy đủ và đánh giá có thể sẽ khó có bề dày.

Thứ ba, đại biểu chỉ rõ, tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu việc giám sát chuyên đề này để phục vụ việc hoàn thiện pháp luật quản lý nợ công, trong đó có việc phục vụ việc sửa đổi Luật quản lý nợ công. Tuy nhiên, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì trong kỳ họp này Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật quản lý nợ công và sẽ thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2017. Nếu như lấy lý do giám sát để phục vụ việc sửa đổi Luật quản lý nợ công mà lại giám sát vào năm 2018 thì về mặt logic cũng như về mặt cần thiết cũng chưa được hợp lý.

Đồng thời, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị cần cân nhắc việc tiến hành giám sát việc thực hiện các quy định về vốn trái phiếu Chính phủ và vốn ODA trong cùng một chuyên đề. Đại biểu phân tích, xét về mặt bản chất thì hai nguồn vốn này đều là nguồn lực đầu tư công, song đặc điểm, đặc thù thì có những điểm khác nhau. Khác nhau trong cách thức huy động trong quy trình quản lý, trong thủ tục đầu tư, xem xét. Kéo théo đó là các chủ thể giám sát, đối tượng giám sát cũng có những điểm khác nhau. Mặc dù nếu kết hợp giám sát hai nội dung này cùng một chuyên đề có thể tiết kiệm được thời gian, nguồn lực nhưng cũng có thể chúng ta cân nhắc thêm tính hợp lý.

Về phân chia giai đoạn để giám sát, đại biểu chỉ ra rằng theo tờ trình dự kiến sẽ giám sát giai đoạn 2010 – 2016, tuy nhiên, căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế, xã hội cũng như lộ trình đánh giá kết quả tình hình đầu tư công, thì việc phân chia giai đoạn cũng có điểm khác. Phân chia tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng như lộ trình thực hiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đầu tư công theo giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020. Vì vậy, nếu đề ra lộ trình giám sát cũng nên ăn khớp với thực tiễn để tránh phát sinh những khó khăn trong quá trình đánh giá chính sách.

Nhấn mạnh, việc lựa chọn chuyên đề giám sát rất quan trọng và đối với chuyên đề giám sát này thực sự mang tính cấp thiết, bởi trong lĩnh vực này chứa đựng nhiều hạn chế, thất thoát, lãng phí và tiềm ẩn rất nhiều câu hỏi mà chúng ta phải trả lời, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng tại thời điểm 2018 nếu thực hiện chương trình giám sát này thì đôi khi nó sẽ rơi vào tình trạng muộn với giai đoạn trước nhưng sớm với giai đoạn sau. Vì vậy, đại biểu đề nghị nếu có thể được thì sẽ lùi thời điểm giám sát, có thể trong năm 2019 hoặc 2020 để đánh giá sẽ có căn cứ hơn và những giải pháp đề ra sẽ có hiệu quả thiết thực trong việc triển khai giai đoạn tiếp theo là giai đoạn 2021 và 2025. 

Bảo Yến

Các bài viết khác