Tôi xin hỏi đồng chí Bộ trưởng 2 câu.
Câu hỏi thứ nhất là tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là người nhà, người thân, người không đủ phẩm chất, năng lực khi bị phanh phui thì đều được trả lời là làm đúng quy trình. Nay xả lũ gây thiệt hại cho dân, đầu tư thất thoát cũng nói làm đúng quy trình. Tôi cho rằng quy trình không có lỗi, ở đây chúng ta có những cán bộ vô cảm, cán bộ lợi dụng, tha hóa và cha chung không ai khóc đã làm cho quy trình bị tha hóa. Tôi xin hỏi Bộ trưởng, sắp tới Bộ trưởng có mạnh tay xử lý những cán bộ làm tha hóa các quy trình này không và nếu xử lý thì lúc nào xử lý xong?
Câu hỏi thứ hai, trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là một bộ nắm giữ rất nhiều tập đoàn, trong công ty và tài sản lớn của nhà nước, nhưng để xảy ra tình trạng thất thoát, thua lỗ như 5 dự án vừa qua và một số quan ngại mà đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đã nêu ra, tôi rất tâm đắc. Tôi xin hỏi Bộ trưởng với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng có giải pháp gì vừa căn cơ, vừa táo bạo đế bảo tồn vốn và phát triên mạnh mẽ doanh nghiệp, thực hiện cho được mục tiêu và yêu cầu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo?
Bộ Công Thương xin được trả lời Đại biểu về vấn đề này như sau:
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh
- Đối với câu hỏi thứ nhất:
Thời gian vừa qua, trong ngành Công Thương có tình trạng bổ nhiệm, đề bạt cán bộ là người nhà, người thân, không đủ phẩm chất, năng lực. Về nguyên nhân, kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đã chỉ rõ:
- Ban cán sự đảng Bộ Công Thương trong giai đoạn 2011 - 2016 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Ban cán sự Đảng, chưa kịp thời sửa đổi bổ sung một số quy chế, quy định cho phù họp với quy định mới của Đảng, Nhà nước.
- Một số đồng chí Lãnh đạo thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm, buông lỏng - lãnh đạo, thậm chí có biểu hiện vụ lợi trong công tác cán bộ, chỉ đạo thực hiện không đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện về công tác cán bộ, dẫn đến vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ.
- Công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc trong công tác cán bộ theo phân cấp quản lý chưa được duy trì thường xuyên.
Cũng xin báo cáo thêm với Đại biểu, trong công tác bổ nhiệm, khâu khó nhất là khâu đánh giá cán bộ. Các tiêu chí đánh giá cán bộ hiện nay cơ bản chỉ mang tính định tính, không mang tính định lượng, gây khó khăn cho công tác đánh giá trước khi bổ nhiệm cán bộ.
Sau khi có kết luận của ủy ban kiểm tra Trung ương, Bộ Công Thương đã và đang tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc nổi cộm trong thời gian qua. Trong kết luận có những vấn đề cụ thể, là những tồn tại của cả quá trình dài, kể cả các quyết định nhân sự, công tác tổ chức cán bộ... Bộ Công Thương sẽ thực hiện đầy đủ nội dung kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, đúng nguyên tắc của Đảng, đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại vừa qua. Tất cả các giải pháp của Bộ đều hướng vào việc khắc phục các khuyết điểm mang tính hệ thống, đặc biệt là những vấn đề tồn tại ở Ban cán sự Đảng cũng như các đơn vị có liên quan, cá nhân có liên quan.
Đồng thời, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã có Nghị quyết về việc kiện toàn công tác tổ chức cán bộ, trong đó tập trung vào các nội dung: Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, quy định, quy chế của Bộ về quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, luân chuyển và đánh giá cán bộ; kiện toàn công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ; chú trọng công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch nhằm nâng cao chất lượng và tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý một cách chủ động; chấn chỉnh và thực hiện nề nếp công tác nhận xét, đánh giá, bố trí cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm; nghiêm túc rà soát công tác cán bộ trong thời gian qua để nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, bộ phận tham mưu giúp việc về công tác tổ chức, cán bộ. Bộ Công Thương đang khẩn trương và nghiêm túc triển khai thực hiện những nội dung này.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành chỉ thị yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty thuộc Bộ thực hiện nghiêm các quy định của Bộ vê công tác bổ nhiệm, đồng thời kiểm tra, rà soát và không để xảy ra các trường hợp bổ nhiệm người nhà, người thân, người có liên quan theo luật doanh nghiệp và các quy định có liên quan.
- Đối với câu hỏi thứ hai:
Về phát triển tế nhà nước, Đảng ta đã xác định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế; thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là lực lượng chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế; cung cấp sản phẩm dịch vụ trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh và các sản phẩm dịch vụ thiết yếu cho xã hội mà thị trường không bảo đảm cung ứng; đầu tư vào những ngành mang tính chất mở đường mà các thành phần kinh tế khác không làm được, hoặc làm không hiệu quả; đầu tư vào những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa...
Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đại diện Nhà nước quản lý một số Tập đoàn lớn, giữ vai trò xương sống của nền kinh tế. Để bảo tồn vốn và phát triển manh mẽ các doanh nghiệp nhà nước, thực hiện mục tiêu và yêu cầu kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã được xác đinh trong các nghị quyết của Đảng, chinh sách của Nhà nước.
Chủ trương đổi mới DNNN cửa Đảng được đề ra từ Hội nghị Trung ương 3 khóa VI và liên tục được nhấn mạnh tại các kỳ đại hội là tập trung cổ phần hóa để thúc đẩy doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cô phần hóa DNNN. Thông qua cổ phần hóa để góp phần thu hút một lượng vốn tương đối lớn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đê mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Trong quá trình cổ phần hóa, sẽ phân định rõ những ngành nào Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn, ngành nào cần nắm cổ phần chi phối. Nhà nước giữ cổ phần chi phối đối với Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước ở những lĩnh vực thiết yếu để can thiệp khi có những biến động lớn của thị trường nhằm giữ ổn định cho nền kinh tế.
Thứ hai, đổi mới cơ chế giám sát đối với DNNN. Bản thân DNNN là một thực thể đa mục đích, do đó, việc giám sát DNNN phải theo hướng đa mục đích, không thể đơn thuần chỉ chú ý đến mục đích tài chính thuần túy. Khi xác định được mục tiêu giám sát, sẽ xác định được các yếu tố còn lại như hình thức, phương pháp và cơ chế giám sát.
Hoàn thiện các căn cứ pháp lý để đưa doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhằm giúp DNNN xác định rõ hơn địa vị pháp lý, mở rộng quyền tự chủ, tăng quyền hạn và trách nhiệm của bộ máy quản lý, điều hành. Qua đó từng bước nâng cao hiệu quả quản lý điều hành doanh nghiệp.
Thứ ba, hoàn thiện thể chế quản lý và đổi mới cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ của DNNN. Hoàn thiện cơ chế quản lý DNNN trên cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm chủ sở hữu nhà nước đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính. Thực hiện nghiêm túc việc kiểm toán bắt buộc đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty nhà nước.
Thứ tư, đổi mới cơ chế sử dụng cán bộ. Đổi mới công tác luân chuyển, sắp xếp bố trí sử dụng nhân lực trong nội bộ các doanh nghiệp. Đây là giải pháp chuyến dịch nhân lực từ các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp để người lao động học hỏi kinh nghiệm làm việc, tạo sự năng động và linh hoạt trong công việc.
Đổi mới chính sách tiền lương và thu nhập, đánh giá đúng và trả lương theo kết quả lao động, nhất là đội ngũ lao động trình độ cao.
Thứ năm, nâng cao sức cạnh tranh cho các DNNN. Đặt DNNN vào môi trường cạnh tranh; cần tách biệt vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu với tư cách quản lý, điều tiết. Việc tách bạch này sẽ tạo áp lực buộc các DNNN phải ứng xử theo cơ chế thị trường.
Xây dựng cơ chế giúp doanh nghiệp có thể thực hiện huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Để tạo lượng vốn cần thiết, đủ mạnh, các DNNN cần phải tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn như từ nguồn ngân sách, từ ngân hàng, từ nội bộ và từ các nguồn khác.
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, trước mắt, Bộ Công Thương sẽ đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng cùng phối hợp Bộ Công Thương rà soát toàn bộ các quy định, khung pháp lý đang áp dụng trong việc quản lý đâu tư, xây dựng, quản lý vốn nhà nước, nhân sự từ khâu chuẩn bị đầu tư (đề xuất, phê duyệt chủ trương, thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư) đến khi triển khai thi công xây dựng (giám sát đầu tư) và trong công tác điều hành sản xuất kinh doanh.
Nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh việc tái cơ cấu doanh nghiệp theo hướng tái cấu trúc một số ngành nghề, tái cấu trúc nguôn nhân lực (quy định cụ thể trong đó xây dựng chức năng, nhiệm vụ, định biên các bộ phận để nâng cao năng suất lao động quản lý, lao động trực tiếp, kiên quyết thực hiện nguyên tắc tái cấu trúc không kèm theo gia tăng lao động), tái cấu trúc về tài chính, tiếp tục cố phần hóa các doanh nghiệp, qua đó, huy động thêm nguồn lực, trình độ kinh nghiệm quản lý từ bên ngoài, lựa chọn các ngành nghề có thế mạnh, không đầu tư dàn trải. Ngoài một số lĩnh vực bắt buộc theo quy định, sẽ không nhất thiết giữ cổ phần chi phối tại các doanh nghiệp để tăng tính tự chủ, tăng hiệu quả quản lý và sản xuất kinh doanh.
Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.