ĐBQH NGUYỄN VĂN HIỂN – LÂM ĐỒNG: ĐỀ NGHỊ XEM XÉT LẠI VẤN ĐỀ ĐẤT DÀNH CHO THỂ THAO

31/05/2018

Sáng 31/5, tham gia thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển - Lâm Đồng đề nghị xem xét lại cả hai phương án nêu tại khoản 1 Điều 65 về vấn đề đất dành cho thể thao để đảm bảo tính thực tế khả thi hơn, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển - Lâm Đồng phát biểu tại Hội trường

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao đã được soạn thảo công phu, nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến và đã được chỉnh lý một cách căn bản. Về cơ bản, đại biểu đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo cũng như báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo, đại biểu xin có một vài ý kiến sau đây:

Thứ nhất, về vấn đề đất dành cho thể thao. Tại khoản 1 Điều 65 dự thảo đưa ra hai phương án:

Phương án thứ nhất, quy định trong quy hoạch trong xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, doanh trại, đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao, phương án này giữ nguyên như luật hiện hành.

Phương án thứ hai, so với phương án một mở rộng thêm là cả khu công nghiệp, khu công nghệ cao cũng phải dành quỹ đất để xây dựng công trình thể thao. Đại biểu nhận thấy cả hai phương án này đều chưa có sự hợp lý bởi các lý do sau đây:

Một, theo pháp luật hiện hành thì khu công nghiệp, khu công nghệ cao là những khu vực chức năng chuyên sản xuất công nghiệp và thực hiện các dịch vụ cho sản xuất, hoặc là khu vực nghiên cứu phát triển ứng dụng công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao v.v... Do vậy, đây là những khu vực và những môi trường được quy hoạch chuyên dùng cho sản xuất, nghiên cứu, nên ngoài giờ làm việc thì đây không phải là nơi sinh hoạt, sinh sống, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí của công nhân. Do vậy, việc xây dựng công trình thể thao trong khu vực sản xuất, nghiên cứu là không thích hợp.

Hai, ngoài khu công nghiệp, khu công nghệ cao, theo pháp luật hiện hành chúng ta còn có nhiều các khu khác tương tự như là khu chế xuất, khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung v.v... Đây đều là những khu chức năng chuyên phục vụ cho sản xuất nhưng lại không được đề cập trong dự thảo.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng 31/5

Ba, theo luật hiện hành, chúng ta có điều khoản quét, tức là Điều 79, Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các điều của luật này, trong đó có Điều 65. Tuy nhiên, nay dự án luật đã bỏ khoản này và sẽ thấy điều ở khoản 1, Điều 65 có sự bất hợp lý, đó là trong mọi trường hợp thì trường học, khu dân cư, doanh trại đơn vị vũ trang nhân dân dù ở quy mô lớn hay quy mô nhỏ đến mức nào đều phải có quỹ đất để xây dựng công trình thể thao.

Trên thực tế có rất nhiều những cơ sở giáo dục hay doanh trại quân đội ở quy mô nhỏ hoặc rất nhỏ. Mặt khác, các công trình thể thao, ở đây hiểu rất tùy nghi, có thể là công trình thể thao ở quy mô lớn, ví dụ như sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu, v.v... Cũng có thể là các công trình thể thao rất đơn giản, có thể chỉ dưới 10m2 chúng ta cũng có thể tập luyện được. Do vậy, việc quy hoạch, xây dựng các công trình thể thao như thế nào là tùy vào từng điều kiện của từng cơ sở và không có quy chuẩn nào về quy mô, loại công trình. Như vậy, mục đích của nhà làm luật sẽ không đạt được.

Bốn, khái niệm quy hoạch tại khoản này cũng chưa thực sự phù hợp với Luật quy hoạch vừa được Quốc hội thông qua.

Từ những lý do nêu trên, đại biểu đề nghị xem xét lại cả hai phương án nêu tại khoản 1 Điều 65 để đảm bảo tính thực tế khả thi hơn, nhất là trong điều kiện mật độ dân cư quá cao tại các khu đô thị lớn. Sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu đô thị này thì việc quy hoạch công trình thể thao cần được đặt trong tổng thể quy hoạch chung của khu dân cư, khu đô thị phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch và Luật Quy hoạch đô thị. Để làm sao vừa bảo đảm được quyền tập luyện thể dục, thể thao của người dân, vừa tránh lãng phí nguồn lực đất đai, vừa tránh lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội đầu tư dàn trải, tràn lan cho nhiều công trình thể thao.

Về thẩm quyền ban hành Luật Thi đấu thể thao. Tại khoản 2 của Điều 39a chưa dự liệu được trường hợp là các môn thể thao mà chúng ta chưa có liên đoàn thể thao quốc gia, trong khi đã có liên đoàn thể thao quốc tế, trong trường hợp này có áp dụng luật của liên đoàn thể thao quốc tế hay không. Do vậy, đề nghị sửa khoản này như sau: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định ban hành Luật Thi đấu hoặc quyết định áp dụng Luật Thi đấu của môn thể thao do liên đoàn thể thao quốc tế ban hành trong trường hợp môn thể thao đó chưa thành lập được liên đoàn thể thao quốc gia

Vân Ngọc

Các bài viết khác