ĐBQH PHÙNG THỊ THƯỜNG – VĨNH PHÚC: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG ĐIỀU, KHOẢN, ĐỊNH NGHĨA VỀ THỂ DỤC, THỂ THAO QUẦN CHÚNG

31/05/2018

Sáng 31/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường - Vĩnh Phúc đề nghị bổ sung điều, khoản, định nghĩa về thể dục, thể thao quần chúng

Đại biểu Quốc hội Phùng Thị Thường - Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội trường

Trước tiên, đại biểu thể hiện sự đồng tình với báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Thể dục, thể thao (sửa đổi) và đánh giá cao những nỗ lực của Ban soạn thảo. Dự thảo luật đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, đoàn đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội Vĩnh Phúc, các cơ quan, ban, ngành. Bên cạnh đó, đại biểu cũng có một số ý kiến đóng góp về dự thảo như sau:

Thứ nhất, về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, sửa đổi Điều 10 của Luật Thể dục, thể thao năm 2006. Để đảm bảo các lợi ích đã được quy định tại Bộ luật Dân sự là một trong các nguyên tắc cơ bản là việc xác lập thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Trong dự thảo chỉ quy định không được lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao để xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân mà không đề cập đến lợi ích công cộng.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung khoản này tại dự thảo về các hành vi bị nghiêm cấm như sau: Lợi dụng các hoạt động thể dục, thể thao, xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người, trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thứ hai, điểm a khoản 2 Điều 1 của dự luật nhằm bổ sung Điều 11 của Luật Thể dục, thể thao hiện hành, đại biểu đồng ý với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội về việc cần bổ sung điều, khoản, định nghĩa về thể dục, thể thao quần chúng. Tại dự thảo thể dục, thể thao quần chúng được định nghĩa là hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao tự nguyện là chưa bao quát hết. Đại biểu cho rằng chúng ta cần đưa ra một định nghĩa mang tính khái quát hơn với cách diễn đạt tương tự như đã định nghĩa về thể thao chuyên nghiệp tại Điều 44 của Luật Thể dục, thể thao năm 2006. Thể thao chuyên nghiệp là hoạt động thể thao, trong đó huấn luyện viên, vận động viên lấy huấn luyện, biểu diễn, thi đấu thể thao là nghề của mình. Do đó, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản này như sau: Thể dục, thể thao quần chúng là hoạt động thể dục, thể thao tự nguyện phù hợp với sở thích, giới tính, lứa tuổi, sức khỏe của người tập nhằm nâng cao sức khỏe, thể chất và tinh thần cho người tập.

Các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao

Thứ ba, tại điểm b khoản 2 Điều 1 của dự luật nhằm bổ sung Điều 11 của Luật Thể dục, thể thao hiện hành. Đại biểu cho rằng cần mở rộng các đối tượng chính sách được hưởng các dịch vụ thể dục, thể thao tại các cơ sở thể thao công lập lẫn tư nhân, như người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo. Ngoài ra, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sử dụng thuật ngữ mang tính đồng nhất đã được quy định ở luật khác khi cùng đề cập về một đối tượng. Ví dụ, tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có quy định đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý là người dân tộc thiểu số cư trú ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, dự án này sử dụng với thuật ngữ đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho rằng cần sử dụng các thuật ngữ mang tính nhất quán. Do đó, tại điều này, đại biểu đề nghị sửa đổi như sau: “Trẻ em, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được miễn, giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể thao tại các cơ sở thể thao công lập. Việc miễn giảm giá vé, giá sử dụng dịch vụ luyện tập thể dục thể thao thực hiện theo quy định của Chính phủ”.

Thứ tư, về thể thao thành tích cao, sửa đổi Điều 31 của Luật Thể dục, thể thao hiện hành. Đại biểu cho rằng, thể thao thành tích cao luôn đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động thể thao của đất nước ta. 10 năm qua kể từ khi Luật Thể dục, thể thao được Quốc hội thông qua năm 2006, thành tích kỷ lục thi đấu thể thao thành tích cao của chúng ta cũng tăng đáng kể, chúng ta đã có những vận động viên tầm châu lục và quốc tế. Do đó, tiếp tục phát huy và phát triển, chú trọng thể thao thành tích cao trong thời gian tới cần được quan tâm hơn nữa. Đảng và Nhà nước cần có những chế độ, chính sách tốt hơn nữa dành cho các vận động viên, huấn luyện viên tham gia luyện tập thi dấu và huấn luyện.

Đại biểu đồng tình quan điểm với ý kiến của đại biểu Quốc hội là cần có định nghĩa về thể thao thành tích cao. Tuy nhiên, tại dự thảo, định nghĩa thể thao thành tích cao chỉ bao gồm hoạt động huấn luyện và thi đấu là chưa đầy đủ. Thể thao thành tích cao bao gồm nhiều hoạt động khác như: tập luyện, biểu diễn thi đấu, huấn luyện đào tạo, quản lý giáo dục. Do đó, cần có một định nghĩa mang tính bao quát hơn về các hoạt động này. Đại biểu đề nghị sửa điều này như sau: " Thể thao thành tích cao là hoạt động thể thao có hệ thống huấn luyện của huấn luyện viên, vận động viên nhằm mục đích đạt được kỷ lục thể thao".

Thứ năm, đối với việc dành quỹ đất cho các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cho xây dựng công trình thể dục, thể thao (sửa đổi Điều 65 của Luật Thể dục, thể thao hiện hành). Đối với vấn đề này, tôi cho rằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ, đời sống vật chất cũng như tinh thần của người lao động trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao trong thời gian qua đã từng bước được cải thiện. Hoạt động thể dục, thể thao đóng góp một vai trò quan trọng để nâng cao sức khỏe cho người lao động và cần được quan tâm hơn nữa để người lao động có không gian tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Do đó, việc bổ sung quy định khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần quy hoạch quỹ đất dành cho việc xây dựng các công trình thể dục, thể thao là cần thiết. Đại biểu đồng tình với phương án 2 của Dự thảo luật. Trong quy hoạch xây dựng trường học, đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, doanh trại, đơn vị vũ trang nhân dân phải dành quỹ đất để xây dựng các công trình thể thao.

Vân Ngọc

Các bài viết khác