ĐBQH HÀ SỸ ĐỒNG – QUẢNG TRỊ: ĐỀ NGHỊ BỎ GIẤY PHÉP QUY HOẠCH VÀ CHỨNG CHỈ QUY HOẠCH TRONG LUẬT XÂY DỰNG VÀ LUẬT QUY HOẠCH ĐÔ THỊ

01/06/2018

Sáng 1/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng - Quảng Trị, đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho biết, chúng ta mong muốn có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, thống nhất để khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn quy hoạch, quy hoạch treo gây nhiều hệ lụy xấu trong thời gian qua. Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua quy định các nguyên tắc trong hoạt động quy hoạch trong đó quy định quy hoạch phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ, tuân thủ có thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia.

Tại Điều 5 Luật Quy hoạch quy định hệ thống quy hoạch quốc gia gồm có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Tuy nhiên, tại Phụ lục 2 Luật Quy hoạch quy định quy hoạch xây dựng là một trong 38 loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành là quy hoạch cụ thể hóa, quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tuy nhiên, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng quy định quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn là 2 quy hoạch thuộc quy hoạch xây dựng, điều này trái với Luật Quy hoạch.

Trong dự thảo Luật sửa đổi Luật Xây dựng quy định quy hoạch xây dựng gồm có quy hoạch xây dựng tỉnh, xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện ở cấp tỉnh trong dự thảo có thêm 2 từ xây dựng có tên là "quy hoạch xây dựng tỉnh". Nhưng phạm vi và nội dung quy hoạch trùng lặp hoàn toàn với phạm vi và nội dung quy hoạch tỉnh được quy định tại Điều 27 Luật Quy hoạch. Ngoài ra, nhiều nội dung thuộc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành khác như giao thông, cấp thoát nước, môi trường cũng được quy định trong Luật Xây dựng là không phù hợp, trái với Luật Quy hoạch. Trong quy hoạch tỉnh của Luật Quy hoạch đã bao gồm nội dung quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện, điểm m khoản 2 Điều 27 và phân bổ, khoanh vùng đất đai theo khu chức năng đến từng đơn vị hành chính cấp huyện. Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị một số vấn đề sau:

Một, đề nghị bỏ toàn bộ nội dung quy hoạch xây dựng tỉnh, quy hoạch vùng liên huyện, vùng huyện và quy hoạch chung cho từng khu chức năng trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng để tránh trùng lặp quy hoạch, chồng lấn quy hoạch gây lãng phí về nguồn lực.

Các đại biểu làm việc tại Hội trường sáng 1/6

Hai, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn là quy hoạch ngành, quốc gia được thực hiện theo Luật Quy hoạch quy định tại Điều 25. Vì vậy, đề nghị bỏ các Điều 25, 26, 27 và 28 của Luật Quy hoạch đô thị. Do đó, đề nghị Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị chỉ tập trung quy định quy hoạch chi tiết về đô thị, nông thôn, khu chức năng theo đúng tính chất kỹ thuật chuyên ngành xây dựng giống như các ngành khác như kết cấu hạ tầng giao thông, cảng hàng không, sân bay, thủy lợi, phòng chống lũ, đê điều và môi trường đã được quy định tại Phụ lục 2 trong Luật Quy hoạch.

Ba, Luật Quy hoạch quy định hoạt động phải đảm bảo tính nguyên tắc ổn định, tuy nhiên Điều 37 Luật Xây dựng và Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị quy định 2 loại điều chỉnh quy hoạch là điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ, nhưng phạm vi điều chỉnh, mức độ điều chỉnh để xác định là điều chỉnh tổng thể hay điều chỉnh cục bộ cũng không được quy định cụ thể. Trong khi đó, trình tự điều chỉnh cục bộ là trình tự rút gọn, đơn giản tại Điều 39 Luật Xây dựng và Điều 51 Luật Quy hoạch đô thị nhưng không quy định rõ trường hợp được áp dụng điều chỉnh cục bộ mà chỉ quy định chung là không ảnh hưởng lớn tại điểm b khoản 2 Điều 37 Luật Xây dựng và điểm a khoản 2 Điều 49 Luật Quy hoạch đô thị. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng hình thức điều chỉnh cục bộ để điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, thiếu tính ổn định, ví dụ như tăng mật độ xây dựng, biến khu sản xuất thương mại thành nhà ở cao tầng đông đúc gây quá tải đến hạ tầng giao thông và hạ tầng xã hội. Vì vậy, để tránh việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trường hợp được áp dụng hình thức điều chỉnh tổng thể, hình thức điều chỉnh cục bộ tại Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo đồng bộ với nguyên tắc chung của hoạt động quy hoạch đã được quy định tại Luật Quy hoạch, tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở, chính sách tạo lợi ích nhóm.

Thứ tư, đề nghị bỏ giấy phép quy hoạch và chứng chỉ quy hoạch trong Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị để đảm bảo nguyên tắc khách quan, công khai, minh bạch quy định tại Luật Quy hoạch, tránh gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. 

Vân Ngọc

Các bài viết khác