ĐBQH TRƯƠNG THỊ BÍCH HẠNH – BÌNH DƯƠNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ LĐ-TB&XH: TẠI SAO CHƯA TRIỂN KHAI QUỸ HỖ TRỢ VÀ QUỸ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP CHO DNOANH NGHIỆP?

07/06/2018

Chiều ngày 05/6, tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ĐBQH Trương Thị Bích Hạnh - Bình Dương đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao chưa triển khai quỹ hỗ trợ và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp?

 Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh - Bình Dương chất vấn tại Hội trường

Phát biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đại biểu Trương Thị Bích Hạnh cho biết, tại Điều 47 Luật Việc làm 2013 có quy định: "Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kĩ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp". Năm 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 28 để hướng dẫn thi hành điều này. Tuy nhiên, hiện nay, quy định này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 67.000 tỷ đồng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trong việc tổ chức thực hiện quy định này nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động và cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu công nghệ trong sản xuất kinh doanh để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn

Về câu hỏi của đại biểu Trương Thị Bích Hạnh ở Bình Dương, đại biểu Bích Hạnh hỏi về vấn đề tại sao chúng ta chưa triển khai quỹ hỗ trợ và quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, quỹ bảo hiểm thất nghiệp của nước ta trong 10 năm qua đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó có 132 ngàn lượt người học nghề. Thời gian vừa qua tại sao quỹ này chưa được hỗ trợ, theo quy định của pháp luật các doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo 3 điều kiện cơ bản, các điều kiện này được quy định trong luật.

Thứ nhất, trong điều kiện đất nước suy giảm kinh tế.

Thứ hai, doanh nghiệp thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh mà người lao động có nguy cơ thất nghiệp vì sa thải.

Thứ ba, lý do bất khả kháng. Do quy định rất khắt khe này cộng thêm các quy định hướng dẫn cụ thể hóa của luật thì chưa được triển khai.

Trước mắt theo tinh thần chung thì Bộ sẽ đề xuất với Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho nghiên cứu giảm nhẹ các điều kiện để có thể hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn chuyển đổi mô hình sản xuất cũng như thay đổi cơ cấu khi chống sa thải.

Về lâu dài, theo tinh thần Nghị quyết 28 Trung ương, kỳ họp thứ 7 vừa rồi bàn sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong duy trì việc làm, hạn chế sa thải, tuyển dụng lao động thất nghiệp dài hạn, khó tìm việc làm như các thông lệ mà các nước người ta thông thường sử dụng việc này. Vốn hiện nay, kết dư hiện nay còn khoảng 67.000 tỷ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ báo cáo với Thường vụ Quốc hội, với Chính phủ để xin xây dựng đề án này trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết 28 Trung ương, hội nghị Trung ương 7 vừa rồi bàn về cải cách bảo hiểm xã hội.

Vân Ngọc

Các bài viết khác