ĐBQH ĐẶNG HOÀNG TUẤN – LONG AN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ GD&ĐT: THÚC ĐẨY GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN, GIÁO DỤC CHO NGƯỜI LỚN TRONG THỜI GIAN TỚI

08/06/2018

Sáng 6/6, tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn - Long An đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ trưởng có giải pháp gì để thúc đẩy giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn trong thời gian tới.

Đại biểu Quốc hội Đặng Hoàng Tuấn - Long An chất vấn tại Hội trường

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn nhận định, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách phát triển giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, tuy nhiên, giáo dục thường xuyên, giáo dục cho người lớn chưa được quan tâm đúng mức. Với vai trò trách nhiệm là người đứng đầu của ngành giáo dục, đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ trưởng có giải pháp gì để thúc đẩy việc học của người lớn được thường xuyên trong thời gian tới.

Một vấn đề nữa, trong thời gian qua, trong khi đa số các thầy cô giáo là những tấm gương mẫu mực cho học sinh noi theo thì cũng xảy ra một số trường hợp vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo như cô giáo Trâm, cô giáo đánh học sinh, cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau gây bức xúc trong dư luận xã hội. Phải chăng thầy cô giáo ngày nay đang phải chịu quá nhiều áp lực. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn

Về ý kiến của đại biểu Đặng Hoàng Tuấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đúng là giáo dục thường xuyên hay gần đây gọi là giáo dục người lớn là một bậc học hết sức quan trọng, một tài nguyên được tái tạo thông qua bồi dưỡng, cập nhật, tạo nên một sức mạnh rất lớn. Trong thời đại khoa học công nghệ 4.0 này, không ai nói tài được, thậm chí cả giáo sư, tiến sĩ vẫn phải học chứ không phải cứ xong tiến sĩ là hết học mà xu hướng học phải thường xuyên để cập nhật kiến thức. Với quan niệm như thế, nhìn vào thực tế vừa qua, tuy đã cố gắng nhưng chưa làm được, vẫn nhìn theo truyền thống, học theo hướng bổ túc những gì chưa biết, chưa đào tạo bao giờ. Bây giờ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện đề án xã hội học tập, dòng họ học tập mà trong đó có 7 phân nhánh mà Bộ thực hiện. Bộ cũng đã phối hợp gần đây rất tốt với Hội Khuyến học để xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

Giải pháp trước hết, Bộ trưởng xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội cho ý kiến để sửa một số điều của Luật Giáo dục, trong đó pháp điển về vai trò của giáo dục thường xuyên, trong đó thiết chế của giáo dục thường xuyên cũng phải khác. Thiết chế không phải chỉ những trung tâm giáo dục thường xuyên mà thiết chế rất quan trọng, đó chính là các cơ sở đào tạo bậc cao, cao đẳng, đại học, phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho những người học, đặc biệt là cựu sinh viên tiếp cận với công nghệ mới, tiếp cận với điều kiện mới. Đây vừa là trách nhiệm, đồng thời là quyền lợi của các cơ sở giáo dục đào tạo. Đây là giải pháp rất căn cơ. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cùng với Hội khuyến học đã phát triển các chi hội và phát động các trường đại học phải có trách nhiệm và đồng thời cơ hội để tạo điều kiện cho các cựu học sinh nâng cao, cập nhật các kiến thức thông qua các phương thức khác nhau.

Về vi phạm đạo đức nhà giáo, thực sự bên cạnh rất nhiều những cái làm được, bên cạnh rất nhiều các thày cô ngày đêm đam mê, yêu nghề, mến trẻ cũng xuất hiện một số các thầy cô. Tuy không phải phổ biến, cá thể, nhưng ảnh hưởng rất ghê gớm không chỉ đến ngành giáo dục mà đến thuần phong mỹ tục, đến tôn sư trọng đạo, một truyền thống rất quý của dân tộc. Đứng trước một hiện tượng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy đây là một thiếu sót rất lớn. Nguyên nhân có nhiều, từ xã hội, từ gia đình, từ bản thân nhưng trong đó có trách nhiệm từ trong ngành, đó là khâu đào tạo, bồi dưỡng, kiểm soát, kiểm chọn trong một số trường hợp cũng chưa đến nơi đến chốn, chưa thường xuyên. Dẫn đến một số thầy cô không đủ năng lực, kém về phẩm chất và bộc phát.

Báo cáo Quốc hội, số báo chí đưa lên cũng chưa phải là hết. Trên thực tế chắc chắn còn nhiều nhưng với phản ứng, với cái lên án, với những hành vi, thậm chí có những hành vi tôi đã từng nói là phi nhân tính, hành hạ trẻ cũng có tác động rất mạnh đến những thầy cô không đủ phẩm chất, năng lực. Cũng là một cảnh tỉnh rất lớn đối với ngành, đối với hiệu trưởng các trường, trách nhiệm của hiệu trưởng các trường rất cao. Để cho một cô giáo đến hàng học kỳ không nói gì vẫn đứng lớp, trước hết phải là Hội đồng sư phạm, thầy hiệu trưởng trách nhiệm ở đâu. Có những cô có những biểu hiện đại biểu vừa nêu xưa nay chưa từng có. Vấn đề đó một phần như nguyên nhân như Bộ trưởng vừa nêu, nhưng một phần nữa cũng về áp lực, gần đây cộng đồng giáo viên áp lực rất lớn cả vật chất và tinh thần, tôi vẫn luôn động viên. Những việc gì đúng, tốt về cơ bản thì chúng ta vẫn phát huy, xã hội vẫn đánh giá và như đồng chí Tổng Bí thư cũng đã có ý trong báo chí đã nêu, số đó là cá thể, nhỏ, không thể vì những việc nhỏ, thiểu số mà đánh đồng tất cả ngành. Chúng ta phải vững vàng nhưng kiên quyết, phải loại những trường hợp "con sâu làm giầu nồi canh".

Trách nhiệm trong ngành, Bộ phải có giải pháp, trước hết phải nằm trong khâu đào tạo. Chương trình đào tạo về giáo viên, trong đó chú trọng đến đạo đức và ngay môn đạo đức để dạy cho học sinh ngay chương trình phổ thông này cũng phải đưa vào, nhấn mạnh vào. Ý thức được điều này cho nên năm ngoái thi trung học phổ thông quốc gia Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề nghị đưa môn giáo dục công dân vào, trước đó gần như không ai để ý. Khi đưa vào bắt buộc học sinh vào rất đông, đó là tín hiệu mừng. Vì văn hóa nước ta cũng như nhiều nước, khi có thi sẽ quan tâm đến học hơn, sau đó rất nhiều thầy cô dạy giáo dục công dân, đạo đức và học sinh thấy có rất nhiều thứ đáng ra phải được biết nhưng không để ý, đến khi phải thi mới nhận thấy, mới ngộ ra là tốt. Bộ trưởng cho rằng, đó là tín hiệu tốt. Tới đây trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh về giáo dục đạo đức, cả về thời lượng, nội dung và nhấn mạnh đến dạy làm người. Môn đạo đức và giáo dục công dân được coi trọng, đặc biệt là đào tạo đội ngũ giáo viên sư phạm, gốc của vấn đề như vậy. Bên cạnh đó, còn nhiều chính sách, chế độ của các ngành khác, nhưng với trách nhiệm của ngành trước hết Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong việc phát triển đội ngũ giáo viên về chất lượng, số lượng và tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chế độ đãi ngộ để làm sao các thầy cô yên tâm với nhiệm vụ của mình.

Vân Ngọc

Các bài viết khác