ĐBQH CHAU CHẮC – AN GIANG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC CỨU NẠN VÀO NỘI DUNG PHỐI HỢP GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO, TẬP HUẤN CHIẾN SĨ CẢNH SÁT BIỂN VIỆT NAM

11/06/2018

Sáng ngày 08/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, ĐBQH Chau Chắc - An Giang đề nghị bổ sung nội dung phối hợp trong công tác cứu nạn vào nội dung phối hợp giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Chau Chắc - An Giang phát biểu tại Hội trường

Nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã trình bày đối với dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu thấy rằng Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật trong thời điểm này là rất cần thiết. Pháp lệnh cảnh sát biển lần đầu ban hành năm 1998, pháp lệnh sửa đổi ban hành năm 2008, nay nâng lên thành luật là phù hợp nhằm nâng cao địa vị pháp lý để thực hiện tốt chủ trương, quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính đồng bộ của pháp luật, khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thời gian vừa qua.

Hiện nay tình hình trên biển và hoạt động tội phạm trên biển diễn biến phức tạp, nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự phối hợp chặt chẽ với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền an ninh trật tự, tìm kiếm cứu nạn, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị hợp tác trên các vùng biển.

Đặc biệt, ta đã thiết lập quan hệ hợp tác với 7 tổ chức, 15 lực lượng thực thi pháp luật trên biển với các nước trong khu vực và thế giới, tổ chức thành công 5 hội nghị lớn các nước trong khu vực và quốc tế liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển tại Việt Nam. Nếu luật này được thông qua là cơ sở, điều kiện để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn trên biển. Để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo luật, đại biểu đóng góp một số nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, tại khoản 2 Điều 6 diễn đạt là: "Tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm tham gia thực hiện nhiệm vụ huy động người, tàu thuyền, phương tiện dân sự của cảnh sát biển v.v... Trình bày như vậy rất dễ hiểu nhầm là tổ chức, công dân tham gia thực hiện huy động người, tàu thuyền, phương tiện dân sự này là sở hữu của Cảnh sát biển Việt Nam. Do đó, đại biểu đề nghị sửa là "Tổ chức, công dân Việt Nam có trách nhiệm phối hợp tham gia với Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ huy động người, tàu thuyền, phương tiện dân sự để bảo vệ quyền, chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam."

Thứ hai, tại điểm b khoản 2 Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm đề nghị bổ sung hành vi làm giả màu sắc, cờ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết phương tiện Cảnh sát biển Việt Nam vào điểm này thì sẽ đầy đủ hơn.

Thứ ba, tại khoản 6 Điều 25 trình bày về nội dung phối hợp trong công tác giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển Việt Nam, trong này chưa đề cập nội dung phối hợp trong công tác cứu nạn, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung nội dung này để hoàn chỉnh hơn.

Thứ tư, tại khoản 1 Điều 34 có câu trình bày: "Tàu thuyền, xuồng, máy bay và các phương tiện khác của Cảnh sát biển Việt Nam có màu sắc, cơ hiệu, phù hiệu và dấu hiệu nhận biết riêng. Khi làm nhiệm vụ tàu thuyền, xuồng phải treo quốc kỳ và cờ hiệu Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu đề nghị bổ sung chỉnh sửa câu "Khi làm nhiệm vụ tàu thuyền, xuồng, lực lượng cảnh sát biển phải treo quốc kỳ và cờ hiệu Cảnh sát biển Việt Nam", trình bày như vậy thể hiện rõ hơn chủ thể trong nhiệm vụ của mình. Ngoài các nội dung trên đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát kỹ thuật văn bản tại dòng thứ 2 từ trên xuống dưới trang 18 và thời gian hiệu lực thi hành của luật tại Điều 48 cho phù hợp.

Vân Ngọc

Các bài viết khác