ĐBQH SẦN SÍN SỈNH - LÀO CAI: CẦN TẬP TRUNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO, NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ, NÔNG NGHIỆP SẠCH, KHÔNG GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

12/06/2018

Chiều 8/6, thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trồng trọt, ĐBQH Sần Sín Sỉnh cho rằng dự thảo Luật cần tập trung vào những nội dung về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường, phù hợp với xu hướng phát triển ngành trồng trọt hiện nay.

Đại biểu Sần Sín Sỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt

Thảo luận về dự thảo Luật Trồng trọt, đại biểu Sần Sín Sỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Trồng trọt với những lý do nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đại biểu xin tham gia một số ý kiến cụ thể vào dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, về chính sách của nhà nước về trồng trọt, Điều 6, đại biểu tán thành với quy định nhà nước phải có chính sách quy định tại Điều 6 dự thảo luật. Tuy nhiên, dự thảo luật cần thể hiện rõ hơn chính sách đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích đối với từng nhóm hoạt động của trồng trọt. Nghiên cứu dự thảo luật, quy định rất nhiều chính sách và dàn trải. Đại biểu cho rằng cần tập trung vào một số nội dung chính như sau:

Chính sách đối với sản xuất nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, không gây ô nhiễm môi trường. Chính sách về tổ chức sản xuất trong trồng trọt, theo hướng liên kết giữa người nông dân với cơ sở sản xuất, chế biến và phát triển thị trường tiêu thu sản phẩm. Theo đại biểu đây là những xu hướng phát triển phù hợp với ngành trồng trọt hiện nay.

Về những hành vi bị cấm tại Điều 8, đại biểu Sần Sín Sỉnh đề nghị bổ sung thêm hai khoản, đó là khoản 13 và khoản 14 như sau: Khoản 13 quy định sử dụng và lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản sản phẩm trồng trọt quá liều lượng quy định. Khoản 14 phá hoại gây thiệt hại trong trồng trọt. Lý do hiện nay các hành vi nêu trên xảy ra khá nhiều như thu mua các bộ phận của cây như dễ, lá, hoa, thân v.v... chưa đến kỳ thu hoạch sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc sâu, thuốc bảo quản sản phẩm trồng trọt, thuốc kích thích tăng trưởng quá liều lượng gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy cần phải có quy định bổ sung nội dung này trong luật làm căn cứ cho việc xử lý vi phạm nếu có các hành vi này xảy ra.

Thứ ba, đại biểu đồng tình với dự kiến tiếp thu, giải trình với dự thảo luật của Chính phủ, đó là cần bổ sung thêm điều khoản sử dụng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ canh tác, quy định về tài sản gắn liền với đất trồng trọt bao gồm nhà kính, nhà lưới, các công trình phụ trợ, hệ thống tưới tiêu, các loại cây trồng lâu năm được hưởng các chính sách như tài sản cố định khác theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định của pháp luật khác nữa có liên quan. Đại biểu Sần Sín Sỉnh đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định đối với máy nông nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hệ thống thông gió, hệ thống điều hòa, hệ thống ánh sáng, hệ thống thông tin phần mềm và tài sản gắn liền với trồng trọt và được hưởng các chính sách như các tài sản cố định khác theo quy định của pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan. Vì theo đại biểu đây là những tài sản có giá trị rất lớn được các cơ sở sản xuất, đầu tư rất nhiều kinh phí nhưng lại không được coi là tài sản trong một số trường hợp cơ sở sản xuất muốn thế chấp vay vốn nhưng không được coi là tài sản. Do đó rất khó khăn cho việc vay vốn để phát triển và mở rộng sản xuất.

Thứ tư, giải thích từ ngữ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu giải thích bổ sung thêm đối với các cụm từ "sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ thông minh, nông nghiệp hữu cơ, chuỗi liên kết giá trị". Đề nghị xem xét lại cách giải thích từ ngữ tại khoản 42 giải thích như vậy không thể hiện được bản chất của vấn đề và không cần thiết.

Ngoài ra, trong dự thảo luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ quy định, theo tôi đây là luật chuyên ngành, đại biểu Sần Sín Sỉnh đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu tối ưu hóa các điều khoản để luật sớm đi vào cuộc sống, hạn chế việc luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ đợi nghị định, thông tư hướng dẫn.

 

Mai Trang

Các bài viết khác