ĐBQH LÊ THỊ NGUYỆT – VĨNH PHÚC: CÁN BỘ, CHIẾN SỸ CẢNH SÁT BIỂN VN PHẢI CÓ TRÌNH ĐỘ Ở MỨC CẦN THIẾT VỀ NGOẠI NGỮ

13/06/2018

Sáng 8/6, tham gia cho ý kiến về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc cho rằng, cùng với bản lĩnh chính trị, kiến thức về pháp luật, các biện pháp nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ và văn hóa ứng xử thì cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam phải có trình độ ở mức cần thiết về ngoại ngữ.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nguyệt - Vĩnh Phúc phát biểu tại Hội trường

Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu tham gia một số ý kiến như sau:

Về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam, đại biểu tán thành với quan điểm của Chính phủ tại Tờ trình số 72 ngày 7/3/2018 về sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, duy trì pháp luật trên biển trong tình hình mới, góp phần thực hiện mục tiêu phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh tại Nghị quyết số 9/1997 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Về nội dung cụ thể của dự thảo luật, thứ nhất về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1. Theo đại biểu, việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng và hiệu quả hoạt động quản lý an ninh, trật tự và bảo đảm việc chấp hành pháp luật trên biển. Nghiên cứu quy định tại Điều 1 của dự thảo luật đại biểu cho rằng, còn thiếu nội dung về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam. Vì vậy, xin đề nghị bổ sung cụm từ "xây dựng" vào trước cụm từ "bảo đảm hoạt động" tại đoạn cuối của Điều 1 để nhằm nhấn mạnh yêu cầu xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời là căn cứ cho việc cụ thể hóa trong các chương, điều, khoản của dự thảo luật. Đại biểu đề xuất phương án cụ thể là: Điều 1, phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức hoạt động và phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, quản lý nhà nước, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức liên quan, xây dựng và bảo đảm hoạt động, chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam.

Bộ Trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội

Thứ hai, về chính sách của Nhà nước về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 6. Đại biểu cho rằng quy định liệt kê tất cả các nội dung từ định hướng, mục tiêu chung về xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam đến những yêu cầu cụ thể về nguồn lực, pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ, tuyển chọn con người, đào tạo, bồi dưỡng, đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, v.v... và một khoản như ở tại Điều 1 Khoản 1 Điều 6 dự thảo không phù hợp, không cần thiết vì nội hàm của cụm từ "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại" đã chứa đựng đầy đủ mục tiêu và nội hàm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam. Gồm xây dựng bản lĩnh chính trị, kỷ luật, thống nhất, tinh thông về nghiệp vụ, có kiến thức pháp luật, ngoại ngữ, được trang bị phương tiện hiện đại và những nội dung này sẽ được quy định tại các chương sau về xây dựng và bảo đảm hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Theo đó, đề nghị khoản 1 Điều 6 viết lại theo hướng:

Nhà nước ưu tiên xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt trong quản lý an ninh trật tự, bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và khoản 2 giữ như trong dự thảo.

Về cơ sở, vật chất bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam tại Điều 38. Đại biểu đề nghị viết tách thành một số khoản để có sự phân biệt giữa các chính sách của nhà nước bảo đảm cho Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời chỉnh lý về câu chữ cho đúng với bản chất của từng vấn đề, đại biểu đề xuất phương án cụ thể như sau:

Điều 38, cơ sở vật chất đảm bảo cho Cảnh sát biển Việt Nam. Khoản 1 Nhà nước bảo đảm đất đai, xây dựng trụ sở, công trình chuyên dụng và cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần thiết phù hợp với đặc điểm, tính chất, phạm vi hoạt động và yêu cầu nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Khoản 2, có chính sách ưu tiên, khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và bảo đảm sự an toàn về sức khỏe, tính mạng của Cảnh sát biển Việt nam.

Khoản 3, tăng cường đầu tư sản xuất và mua sắm phương tiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang bị kỹ thuật nghiệp vụ tiên tiến để nâng trình độ trang bị của Cảnh sát biển Việt Nam ngang tầm khu vực và quốc tế.

Thứ ba, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam ở Điều 42. Theo đại biểu, cùng với bản lĩnh chính trị, kiến thức về pháp luật, các biện pháp nghiệp vụ, kỹ năng thực thi công vụ và văn hóa ứng xử thì cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam phải có trình độ ở mức cần thiết về ngoại ngữ, trong đó ưu tiên số một là tiếng Anh, tiếng Trung và tiếp đến các tiếng các nước trong khu vực Đông Nam Á thì mới thuận tiện trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Do đó, đại biểu xin đề nghị ở tại điều này nên bổ sung cụm từ "ngoại ngữ" vào sau cụm từ "pháp luật" để nhấn mạnh sự cần thiết của ngoại ngữ với vai trò công cụ thực hiện nhiệm vụ và cầu nối giữa Cảnh sát biển Việt Nam với cảnh sát biển các nước trong khu vực và quốc tế. Xin đề xuất phương án như sau: Cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam được đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, pháp luật, ngoại ngữ và kiến thức cần thiết khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, được khuyến khích để phát triển tài năng, phục vụ lâu dài trong Cảnh sát biển Việt Nam.

Thứ tư, về chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam. Đại biểu cơ bản tán thành quy định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, về nguyên tắc đại biểu cho rằng nên bảo đảm sự tương quan giữa Cảnh sát biển Việt Nam với hải quân vì tính chất và môi trường hoạt động đặc thù như nhau, nhất là chế độ phụ cấp, hoạt động dài ngày trên biển hoặc chính sách hậu phương quân đội, ví dụ chỗ ở, việc làm, học tập, khám chữa bệnh của cha mẹ, vợ con để họ yên tâm công tác.

Vân Ngọc

Các bài viết khác