ĐBQH TRƯƠNG PHI HÙNG – LONG AN: ĐỀ NGHỊ QUY ĐỊNH THÊM VIỆC KHẢO NGHIỆM VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI CÁC GIỐNG CÂY TRỒNG LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM

13/06/2018

Chiều 8/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trồng trọt, đại biểu Quốc hội Trương Phi Hùng - Long An đề nghị cần phải quy định thêm việc khảo nghiệm về mức độ an toàn thực phẩm đối với các giống cây trồng là lương thực, thực phẩm.

Đại biểu Quốc hội Trương Phi Hùng - Long An phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Trương Phi Hùng tham gia góp ý vào dự thảo luật với 4 nội dung cụ thể như sau:

Thứ nhất, về chiến lược phát triển trồng trọt được quy định tại Điều 5 dự thảo luật. Khoản 1 quy định chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ 10 năm, định hướng 20 năm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Chỉ cập nhật khi có sự thay đổi của chiến lược phát triển ngành nông nghiệp. Xã hội vận động và phát triển, sự thay đổi luôn diễn ra từng ngày, yếu tố cơ động về thời gian chính là sự sống còn của lợi thế cạnh tranh, đặc biệt trong lĩnh vực giống cây trồng và sản phẩm từ nông nghiệp. Việc xác định chiến lược phát triển ổn định 10 năm là quá trình đối với chiến lược của từng vùng và đối với một số tiêu chí cụ thể.

Hơn nữa, việc cập nhật, điều chỉnh chiến lược này phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngành mà chu kỳ của chiến lược ngành thường dài và thay đổi chậm vì lý do như chờ cập nhật thông tin, số liệu, thủ tục hành chính, v.v... Trong 10 năm đó, có nhiều thay đổi đã diễn ra, từng vùng, miền phát hiện ra các ưu thế sẵn có mà trước đây chưa phát hiện. Các phát minh về giống cây trồng mới, các thay đổi về nhu cầu của người tiêu dùng, v.v... đòi hỏi sự thay đổi và cập nhật mang tính thời gian là rất cần thiết. Chúng tôi đề nghị nên có hai mức độ chiến lược phát triển. Một chiến lược phát triển ngắn hạn là 5 năm và một dài hạn là 10 năm. Tùy từng tiêu chí cụ thể đặc biệt liên quan đến tuổi sinh trưởng và cho kết quả sản phẩm của giống loài, sự phát triển của khoa học về công nghệ sinh học, sự chuyển dịch về giống cây trồng, sự chuyển dịch về dân cư hay thay đổi về quy hoạch phát triển từ nông nghiệp sang công nghiệp, từ đó dẫn tới phải thay đổi định hướng và mục tiêu cho chính sách phát triển trồng trọt trong một chu kỳ 5 năm hoặc 10 năm, vì thế Điều 5 chiến lược phát triển trồng trọt khoản 1 đề nghị sửa đổi bổ sung như sau: "chiến lược phát triển trồng trọt được xây dựng cho chu kỳ ngắn hạn 5 năm, hoặc dài hạn 10, định hướng 20 năm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn".

Thứ hai, về quy định những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8, khoản 11 "có hành vi bị ảnh hưởng đến đa dạng sinh học trong trồng trọt", cụm từ này chưa được rõ nghĩa có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến sự tùy tiện trong xử lý từ ngữ. Ở đây nên hiểu là phải có những hành vi gây ra ảnh hưởng xấu, làm nguy hại sự an toàn phát triển bền vững trong đa dạng sinh học. Chỉ những hành vi này mới cần lên án và cấm đoán. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm vào khoản 11 Điều 8 dự thảo luật quy định để chặt chẽ hơn, rõ nghĩa hơn như sau: "Có hành vi gây ảnh hưởng xấu và làm nguy hại đến sự an toàn, phát triển bền vững đến đa dạng sinh học trong trồng trọt".

Điều 8 chỉ quy định các hành vi cấm nhưng không quy định chế tài vi phạm này do đó chưa tạo ra hiệu quả pháp lý về mặt xã hội cho việc cấm đoán. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm khoản 13 cụ thể như sau: "Hành vi vi phạm các điều cấm trên tùy vào mức độ vi phạm có thể bị xử lý theo pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự".

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường chiều 8/6

Thứ ba, về khảo nghiệm giống cây trồng biến đổi gen quy định tại Điều 13 khoản 2: "Khảo nghiệm an toàn sinh học cây trồng biến đổi gen nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định pháp luật về an toàn sinh học TCVN hoặc quy trình khảo nghiệm đối với khảo nghiệm VCO quy định tại Điều 12 luật này". Dự thảo chỉ mới ghi nhận việc khảo nghiệm cây trồng biến đổi gen ở mặt an toàn sinh học, nghĩa là chỉ mới quan tâm giới hạn và phạm vi ảnh hưởng tới giống, loài cây trồng, tới môi trường sinh thái và chưa lưu ý tới mức độ an toàn thực phẩm với các cây trồng, là lương thực, thực phẩm.

Một số loài giống mới do biến đổi gen có thể vẫn an toàn về mặt sinh học nhưng về an toàn thực phẩm những sản vật được sản sinh từ giống cây trồng biến đổi gen vẫn có thể gây ra những tác hại về sau đối với sức khỏe của người tiêu dùng. Đây là những nguy hại khôn lường không chỉ trong hiện tại mà có thể ảnh hưởng xấu đến các thế hệ kế tiếp. Vì vậy, đối với các giống cây trồng là lương thực, thực phẩm cần phải quy định thêm việc khảo nghiệm về mức độ an toàn thực phẩm để đảm bảo việc sử dụng trong chế biến thực phẩm hoặc tiêu dùng trực tiếp hàng ngày trong bữa ăn. Vì vậy, đề nghị bổ sung thêm khoản 2 Điều 13 nội dung như sau:

Khoản 2, khảo nghiệm an toàn sinh học cây trồng biến đổi gen nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về an toàn sinh học TCVN hoặc quy trình khảo nghiệm đối với khảo nghiệm VCU quy định tại Điều 12 luật này. Đối với cây trồng biến đổi gen được sử dụng làm lương thực, thực phẩm buộc phải khảo nghiệm thêm về an toàn thực phẩm. Cũng cần nói thêm rằng, trong Luật An toàn thực phẩm hiện hành các quy định chỉ mới quan tâm tới mức độ an toàn trong chỉ tiêu về vệ sinh, phòng nhiễm vi khuẩn và yếu tố tác hại của các sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu biến đổi gen vẫn còn sơ sài và chưa được nghiên cứu để điều chỉnh một cách cần thiết và đúng đắn, rất cần thiết phải sửa đổi, bổ sung thêm.

Vấn đề thứ tư, công nhận đủ điều kiện khảo nghiệm giống cây trồng, khoản 2 Điều 17 quy định như sau:

Có ít nhất 5 người làm công tác kỹ thuật, kể cả người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm có trình độ đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành liên quan đến cây trồng, bảo vệ thực vật. Khoa học ngày nay đã phát triển cao, trong quá trình khảo nghiệm giống cây trồng thực sự cũng rất cần những chuyên viên có kiến thức sâu rộng trong lĩnh vực liên quan đến công nghệ sinh học, đặc biệt trong lĩnh vực di truyền đối với các cây trồng có nguồn gốc từ biến đổi gen. Vì vậy, nên mở rộng thêm điều kiện về nhân lực trong hoạt động khảo nghiệm giống cây trồng đối với những người có năng lực, trình độ trong lĩnh vực công nghệ sinh học và di truyền gen. Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 17 như sau:

Có ít nhất 5 người làm công tác kỹ thuật, kể cả người trực tiếp phụ trách khảo nghiệm có trình độ đại học trở lên, thuộc một trong các chuyên ngành liên quan đến cây trồng, bảo vệ thực vật, lâm sinh, công nghệ sinh học.

Vân Ngọc

Các bài viết khác