ĐBQH HỒ THỊ MINH - QUẢNG TRỊ: CHỈ NÊN QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH ĐỘ GIẢNG VIÊN TẠI LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

15/06/2018

Chiều 12/6, thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Quảng Trị cho rằng chỉ nên quy định về trình độ giảng viên về một luật là Luật Giáo dục đại học.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Quảng Trị phát biểu tại phiên họp

Đại biểu Hồ Thị Minh nhất trí cao về sự cần thiết sửa đổi Luật Giáo dục đại học, để giải quyết những bất cập trong thực tiễn và đáp ứng đổi mới căn bản toàn diện của nền giáo dục theo tinh thần Hiến pháp 2013 và Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11. Đi vào các điều luật cụ thể, đại biểu tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tại Điều 17a, Ban kiểm soát trong trường đại học tư thục, điểm b khoản 1 quy định: Thành viên của Ban kiểm soát không là thành viên hội đồng quản trị, kế toán trưởng hoặc trưởng phòng tài chính và không có quan hệ cha, mẹ hoặc vợ, chồng, con đẻ, anh chị em ruột là thành viên hội đồng quản trị, kế toán trưởng hoặc trưởng phòng tài chính. Xét về mặt tổ chức, quản lý, điều hành trường đại học tư thục là một loại hình công ty cổ phần để đảm bảo tính khách quan, hiệu quả trong hoạt động của Ban kiểm soát thì quy định về thành phần Ban kiểm soát trong trường đại học phải được quy định tương tự như Ban kiểm soát trong công ty cổ phần của Luật Doanh nghiệp năm 2014. Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định lại như sau để đảm bảo tính đầy đủ: Thành viên của Ban kiểm soát không là thành viên hội đồng quản trị, kế toán trưởng hoặc trưởng phòng tài chính và không có quan hệ vợ hoặc chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh chị em ruột của thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng, kế toán trưởng hoặc trưởng phòng tài chính.

Thứ hai, về Điều 54 quy định về giảng viên, tại khoản 1 quy định: "Giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học có trình độ đáp ứng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 77 của Luật Giáo dục", tức là có bằng tốt nghiệp đại học trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với nhà giáo giảng dạy cao đẳng, đại học có bằng tiến sỹ, đối với nhà giáo dạy chuyên đề hướng dẫn luận văn thạc sỹ có bằng tiến sỹ, đối với nhà giáo giảng dạy chuyên đề hướng dẫn luận án tiến sỹ. Trong khi đó khoản 3 Điều 54 quy định: Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Như vậy, tiêu chuẩn về trình độ giảng viên vừa đáp ứng được quy định của Luật Giáo dục, đồng thời đáp ứng được quy định của Luật Giáo dục đại học cho nên để thuận lợi trong quá trình thực hiện, chúng ta quy định về một luật là Luật Giáo dục đại học.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung thảo luận

Thứ ba, tại Điều 33 về mở ngành đào tạo, các khoản quy định mở ngành đào tạo rộng hơn, thuận tiện cho người học lựa chọn, tuy nhiên tại khoản 5 lại quy định là "Sau khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp chương trình đào tạo phải thực hiện việc kiểm định theo quy định của Điều 52 luật này, nếu không thực hiện kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu thì không được tiếp tục tuyển sinh đối với chương trình đào tạo đó". Khoản 5 quy định như vậy liệu có phù hợp hay không khi mà chúng ta đào tạo các em trong vòng 4 năm với chương trình đại học, khi sinh viên tốt nghiệp ra trường thì Ban kiểm định đánh giá kết quả kiểm định không đạt yêu cầu thì không được tiếp tục đào tạo tuyển sinh đối với chương trình đó, vậy các em này có được đi làm không, liệu có cơ quan nào nhận các em và ai sẽ tiếp nhận các em khi mà chất lượng không đạt. Vậy thì trách nhiệm thuộc về ai, chưa kể đến các hệ đào tạo sau đó họ cũng phải dừng lại giữa chừng. Đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát lại để có quy định phù hợp, làm thế nào để khi đã mở ra các ngành nghề mới thì phải có khung chương trình, có đội ngũ giảng viên, có các cơ sở hạ tầng, thiết bị, thư viện đúng theo quy định để khi các em tốt nghiệp ra trường đáp ứng được các yêu cầu của xã hội về ngành nghề mà các em đào tạo, không thể để đào tạo 4 năm rồi chúng ta mới kiểm định như tại khoản 5 Điều 33 sẽ rất bất cập.

Thứ tư, về Điều 67 quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở giáo dục đại học. Tại điểm đ khoản 2 quy định "Tài sản chung hợp nhất không phân chia thuộc sở hữu của cộng đồng nhà trường bao gồm cả người học", đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ "bao gồm cả người học" vì theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì tài sản chỉ có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản, tài sản bao gồm động sản và bất động sản chưa có tài liệu nào quy định nói đến con người là tài sản, đề nghị cần phải sửa đổi và bỏ cho phù hợp.

Vân Ngọc

Các bài viết khác