ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ GIẢI PHÁP TIẾP CẬN VỐN VAY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

24/03/2020

ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) có văn bản chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tình tình triển khai chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và các giải pháp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của Chương trình.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng) 

Trả lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã có văn bản số 9540/NHNN-VP ngày 23/11/2017 nêu rõ, về tình hình triển khai chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại triển khai chương trình cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 0,5-1,5%/năm. Đến nay, kết quả đầu tư của ngành ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã đạt 36.000 tỷ đồng cho gần 6.400 khách hàng, chủ yếu cho vay đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với dư nợ đạt gần 31.286 tỷ đồng, chiếm 87%; cho vay kỳ hạn dài chiếm gần 60% dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với thực tế đầu tư lĩnh vực này cần vốn lớn và đầu tư dài hạn. Lãi suất cho vay ngắn hạn khoảng 5,3-6,5%/năm, cho vay trung dài hạn khoảng 8,5-10%/năm.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn một số khó khăn như: Khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn ít (3 khu, 1 vùng và 28 doanh nghiệp). Ngân hàng Thương mại gặp khó khăn khi xác định đối tượng thụ hưởng chính sách do Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp nhưng chưa quy định cơ quan nào xác nhận các tiêu chí đó của dự án (ứng dụng công nghệ sinh học, vi sinh,…). Giá trị đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao lớn nhưng thị trường tiêu thụ chưa ổn định; khách hàng chưa có nguồn lực tài chính tốt, chưa thực sự sẵn sàng tham gia sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách bài bản, phương án sản xuất hiệu quả và phương án trả nợ vay chưa khả thi.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

Bên cạnh đó, người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng; Chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa được triển khai rộng rãi ảnh hưởng đến việc mở rộng cho vay của các ngân hàng.

Về các giải pháp để người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn của Chương trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: để mở rộng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tháo gỡ những khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các Ngân hàng Thương mại đẩy mạnh cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng mở rộng đối tượng được vay vốn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đồng thời bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng.

Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Cần có giải pháp mở rộng các đối tượng doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính có những giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm, chính sách bảo hiểm trong nông nghiệp.

Các địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp để làm thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp, người dân cần cải thiện năng lực tài chính cũng như năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và phương án trả nợ vay khả thi để các ngân hàng có cơ sở xem xét cho vay nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp./.

Trọng Quỳnh