ĐBQH LÊ TẤN TỚI CHẤT VẤN VỀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG TÔM XUẤT KHẨU

27/03/2020

Trước tình trạng nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị trả lại do việc trích tạp chất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long diễn ra rất phức tạp, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Tấn Tới – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đã có chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về tình trạng này, việc quản lý chất lượng tôm xuất khẩu, trách nhiệm của các cơ quan quản lý và giải pháp để bảo vệ doanh nghiệp và nhà sản xuất chân chính.

Đại biểu Lê Tấn Tới – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại Hội trường Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Lê Tấn Tới – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay tình trạng trích tôm tạp chất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh ở ven biển diễn ra rất phức tạp. Các lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng công an đã tổ chức nhiều đợt truy quét và đã bắt xử lý rất nhiều trường hợp những tình trạng vẫn diễn ra và xảy ra ngày càng thủ đoạn, tinh vi. Qua nghiên cứu thấy các doanh nghiệp vẫn mua tôm tạp chất và vượt ra hàng rào kiểm tra chất lượng là xuất khẩu được ra khỏi Việt Nam. Điều này gây hậu quả rất lớn cho chúng ta cả về kinh tế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Thực tế nhiều lô hàng của Việt Nam đã xuất khẩu ra nước ngoài về tôm bị trả lại. Trước tình hình đó, đại biểu đặt đã câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Thứ nhất, về quản lý chất lượng tôm xuất khẩu ra khỏi Việt Nam vừa qua còn có lỗ hổng nào không?

Thứ hai, trách nhiệm của các cơ quan quản lý từ khi cấp quota cho đến kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu đến đâu?

Thứ ba, thời gian tới Bộ Công thương có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này để bảo vệ doanh nghiệp và bà con sản xuất chân chính?

Trả lời, đại biểu Quốc hội bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hàng thủy sản nói chung và tôm nói riêng là mặt hàng khuyến khích xuất khẩu, không thuộc danh mục cấp hạn ngạch, giấy phép xuất khẩu. Theo đó, thương nhân Việt Nam được quyền xuất khẩu thủy sản theo khả năng. Thủ tục giải quyết tại cơ quan hải quan.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Theo phân công, phối hợp giữa các Bộ ngành, việc quản lý chất lượng tôm từ khâu nuôi tới chế biến tiêu thụ được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan đầu mối. Qua trao đổi với các Đơn vị chuyên môn trực tiếp theo dõi, quản lý trong lĩnh vực này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương được biết, thời gian vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất tích cực phối hợp với Bộ Công an để kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc bơm tạp chất vào tôm (có doanh nghiệp bị xử phạt lên tới 600 triệu đồng). Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phối hợp với các cơ quan hữu quan để nghiên cứu, đưa các vấn đề quản lý chất lượng tôm nói riêng và thủy sản nói chung vào Luật Thủy sản, theo đó các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm và hành vi vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự./.

Bảo Yến