ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ VỀ CÔNG TÁC PHÁP CHẾ VÀ CÔNG TÁC THANH TRA CỦA BỘ

28/03/2020

Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời chất vấn Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, về công tác pháp chế và công tác thanh tra của Bộ Y tế.

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, Đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị Bộ trưởng có đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ ở các lĩnh vực sau:

1. Công tác pháp chế của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Bộ.

2. Công tác thanh tra của Bộ, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra tại Bộ.

Bên cạnh đó, Đại biểu cũng đặt ra câu hỏi, hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của Bộ hay chưa?

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 13/11/2017, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng nêu rõ:

Về công tác pháp chế và lực lượng làm công tác pháp chế của bộ: 

Công tác pháp chế tại Bộ Y tế: Được giao cho Vụ Pháp chế làm đầu mối tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Y tế và giao cho các Vụ, Cục thực hiện công tác pháp chế theo Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ trong phạm vi cả nước. Mặc dù còn một số khó khăn do khối lượng công việc nhiều, nhân lực chưa đủ do tinh giản biên chế chung, nhưng trong những năm qua công tác pháp chế của ngành y tế đã đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỷ cương của hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật của Bộ Y tế.

Thực trạng năng lực đội ngũ làm công tác pháp chế tại Bộ Y tế: Đội ngũ công chức tại Vụ Pháp chế - đơn vị đầu mối tham mưu giúp Bộ trưởng thực hiện công tác pháp chế hiện nay có 15/17 biên chế, 01 hợp đồng. Đội ngũ công chức làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ Y tế hiện nay có khoảng 40 công chức, được thành lập theo phòng hoặc kiêm nhiệm công tác pháp chế.

Các công chức làm việc tại Vụ Pháp chế có 12/16 người có trình độ cử nhân luật, 04/16 người cử nhân kinh tế. Số lượng công chức làm việc tại Vụ Pháp chế còn ít do không được bổ sung biên chế mà phải tinh giản chung theo tình hình hiện nay. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức pháp chế của Vụ Pháp chế mới được tuyển dụng, còn ít kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công.

Đánh giá về lực lượng làm công tác pháp chế của Bộ: Về cơ bản, Bộ Y tế đã bố trí lực lượng làm công tác pháp chế tại các đơn vị thuộc Bộ và có đầu mối tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước bằng pháp luật theo lĩnh vực được phân công. Tuy nhiên lực lượng làm công tác pháp chế còn mỏng, chưa đáp ứng được nhu cầu do việc tinh giản biên chế, không được bổ sung biên chế làm việc.

Về công tác Thanh tra và lực lượng làm công tác thanh tra của Bộ

Về số lượng biên chế: Hiện nay tại Bộ Y tế có tổng số 72 công chức, bao gồm 43 công chức là Thanh tra viên, Thanh tra viên chính, Thanh tra viên cao cấp đang công tác tại Thanh tra Bộ Y tế và 29 công chức tại các Cục, Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (07 người tại Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; 11 người tại Cục An toàn thực phẩm; 03 người tại Cục Quản lý Dược; 03 người tại Cục Quản lý Môi trường Y tế; 02 người tại Cục Quản lý Khám chữa bệnh; 03 người tại Cục Y tế dự phòng).

Về chức năng nhiệm vụ được giao: Thanh tra Bộ Y tế giúp Bộ trưởng Bộ Y tế quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế; tiến hành thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực của Bộ Y tế; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật.

Về cơ chế hoạt động: Thanh tra Bộ hoạt động theo chế độ Thủ trưởng, do vậy mọi hoạt động của Thanh tra Bộ đều đảm bảo được thực hiện theo nguyên tắc thống nhất, dân chủ, kịp thời, bảo đảm về thời gian, tiến độ, trách nhiệm và linh hoạt trong việc xử lý các tình huống khó khăn, phức tạp.

Về cơ cấu ngạch công chức: Phần lớn đội ngũ công chức của Thanh tra Bộ Y tế có tuổi đời và thời gian công tác lâu năm, có nhiều kinh nghiệm trong công tác, được đào tạo thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ năng lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. 100% các công chức tại Thanh tra Bộ Y tế đều có trình độ đại học và trên đại học, nhiều công chức có từ 02 bằng đại học trở lên, 100% công chức được đào tạo về nghiệp vụ thanh tra tại Trường Cán bộ Thanh tra của Thanh tra Chính phủ và đã được bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra, đáp ứng với yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định.

Đối với Thanh tra chuyên ngành tại các Cục, Tổng cục thì tất cả các công chức thanh tra đều được Thanh tra Bộ Y tế đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành. Nhưng theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành thì các đơn vị được giao chức năng thanh tra chuyên ngành chỉ có bộ phận tham mưu thanh tra chuyên ngành, vì thế có đơn vị xây dựng bộ phận tham mưu công tác thanh tra riêng, còn đa số là ghép với bộ phận khác (như ghép bộ phận pháp chế với bộ phận thanh tra).

Vừa qua, thực hiện Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 75/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế thì hiện nay tất cả các đơn vị được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng phương án ghép thanh tra chuyên ngành với pháp chế hoặc văn phòng. Điều này sẽ làm cho công tác thanh tra chuyên ngành đã khó khăn, hạn chế và yếu kém về năng lực sẽ càng bị khó khăn, hạn chế và yếu kém hơn, rất khó đảm bảo chất lượng công tác thanh tra chuyên ngành.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Thanh tra Bộ Y tế đã hoạt động rất tích cực, khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Y tế ngày càng gia tăng: Số lượng cơ sở hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; dược, mỹ phẩm, vật tư y tế công lập và ngoài công lập ngày càng gia tăng; số đối tượng thụ hưởng các dịch vụ y tế  ngày càng tăng cao; các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực y tế đòi hỏi được tăng cường. Số lượng công chức làm công tác thanh tra còn thiếu so với nhiệm vụ được giao, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan công tác thanh tra còn thiếu và bất cập, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên dụng vừa thiếu vừa lạc hậu, kinh phí cấp cho hoạt động thanh tra y tế còn hạn chế,...

Trước bối cảnh đó, Thủ tưởng Chính ghủ đã phê duyệt Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 theo Quyết định số 2176/QĐ-TTg ngày 04/12/2014 nhằm bảo đảm cho các hoạt động thanh tra y tế được thực thi theo đúng quy định của pháp luật, có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của ngành và xã hội.

Theo Đề án nâng cao năng lực thanh tra y tế đến năm 2020 thì số lượng công chức làm công tác thanh tra y tế tại Bộ Y tế hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Với số lượng công chức tại Thanh tra Bộ Y tế hiện nay mới chỉ có 43 biên chế, trong khi yêu cậu để giải quyểt khối lượng công việc được giao theo chức năng nhiệm vụ thì cần khoảng 75 người. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết Số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện Chủ trương tinh giản biên chế, Thanh tra Bộ Y tế xây dựng Đề án tinh giản biên chế của Thanh tra Bộ Y tế đến năm 2021, theo đó số biên chế của Thanh tra Bộ Y tế không tăng. Do số lượng biên chế hạn chế nên hầu hết các đồng chí Lãnh đạo Thanh tra và Lãnh đạo các Phòng thuộc Thanh tra Bộ ngoài việc thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định thì còn phải trực tiếp thực hiện một số công việc về hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí thanh tra viên hoặc tương đương nên ít có thời gian tham gia nghiên cứu khoa học, nghiên cứu những lĩnh vực chuyên sâu khác.

Nghĩa Đức

Các bài viết khác