ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA CHẤT VẤN VỀ TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC XẢY RA CÁC SAI PHẠM NGHIÊM TRỌNG TRONG NGÀNH NGÂN HÀNG

30/03/2020

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh đã có chất vấn bằng văn bản đến Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam về việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra tình trạng nợ xấu nghiêm trọng tại một số ngân hàng thương mại.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt vấn đề việc đề xảy ra tình trạng nợ xấu nghiêm trọng gây ra âm vốn chủ sở hữu rất lớn, từ đó Nhà nước phải mua lại 0 đồng và gánh toàn bộ trách nhiệm đối với người gửi. Đại biểu đặt câu hỏi, trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước, trách nhiệm của thanh tra, giám sát như thế nào và trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong Ban lãnh đạo Ngân hàng nhà nước được đã kết luận và xử lý như thế nào.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện quyền hạn và nhiệm vụ được giao, NHNN đã chủ động triển khai các biện pháp quản lý, thanh tra, giám sát theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó có 3 ngân hàng thương mại cổ phần: Đại Tín (sau được đổi tên thành Xây dựng), Đại Dương, Dầu khí Toàn cầu.

Kết quả thanh tra năm 2012 đối với cả 3 ngân hàng và năm 2014, 2015 đối với Ngân hàng Đại Dương cho thấy cả 03 ngân hàng trên có thực trạng tài chính, quản trị điều hành, kiểm soát rủi ro yếu kém, chất lượng tín dụng và chất lượng tài sản rất xấu, vốn chủ sở hữu âm, có nhiều vi phạm pháp luật, đặc biệt là vi phạm trong hoạt động tín dụng và đầu tư. Các yếu kém, vi phạm pháp luật của các ngân hàng này đều xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi là vấn đề cổ đông. Mặc dù về hồ sơ sổ sách, các cổ đông, nhóm cổ đông nắm giữ cổ phần đều trong giới hạn sở hữu theo quy định, nhưng qua thực tế thanh tra, giám sát cho thấy cả 03 ngân hàng đều chịu sự chi phối, thao túng của một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn và trở thành công cụ phục vụ mục đích riêng của cổ đông, nhóm cổ đông. Các cổ đông, nhóm cổ đông chi phối đã cố tình lách quy định về giới hạn sở hữu cổ phần để thao túng ngân hàng dẫn đến việc các ngân hàng cố ý làm trái, cô tình vi phạm quy định của pháp luật và che giấu thông tin dưới nhiều hình thức tinh vi; bộ máy, quy trình quản trị, điều hành và kiểm soát bị vô hiệu, các nguyên tắc quản lý rủi ro bị bỏ qua.

Kết luận thanh tra đã nêu cụ thể những vi phạm, tồn tại của 3 ngân hàng này, đưa ra các biện pháp xử lý và yêu cầu các ngân hàng khắc phục, chỉnh sửa những hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời, NHNN đã chuyển hồ sơ có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan có thẩm quyền để điều tra làm rõ và xử lý nghiêm minh. Trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố, truy tố trước pháp luật những cá nhân vi phạm tại 03 ngân hàng này. Trong quá trình điều tra, xét xử NHNN đã cung cấp đầy đủ các hồ sơ tài liệu và thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra.

Về trách nhiệm để xảy ra các sai phạm trong ngành ngân hàng nói chung và đối với 3 ngân hàng nêu trên nói riêng, trước hết thuộc về các cá nhân, tập thể có sai phạm và người đứng đầu tổ chức, đơn vị nơi xảy ra sai phạm. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, NHNN có trách nhiệm trong việc chưa kịp thời phát hiện các rủi ro trọng yếu, vi phạm trong hoạt động của 3 ngân hàng này. Nguyên nhân khiến công tác quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN còn tồn tại, hạn chế như trên là do khuôn khổ pháp lý về quản lý, tổ chức và hoạt động của TCTD mặc dù đã được đổi mới nhưng còn chậm so với yêu cầu thực tiễn; năng lực, chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng chưa cao; trong quá trình thực thi nhiệm vụ, một số cán bộ NHNN chưa hoàn thành đầy đủ trách nhiệm, để xảy ra vi phạm.

Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng

Việc chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thanh tra, giám sát của NHNN có trách nhiệm của Ban lãnh đạo NHNN trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của NHNN; Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và các tập thể, cá nhân có liên quan có trách nhiệm trong việc tham mưu và thực thi nhiệm vụ quản lý, thanh tra, giám sát ngân hàng...

Nhận thức rõ vấn đề này, Ban lãnh đạo và cá nhân Thống đốc NHNN đã và đang nỗ lực chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc NHNN triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN, đặc biệt là công tác thanh tra, giám sát ngân hàng. Thực hiện chỉ đạo của Thống đốc và Ban lãnh đạo NHNN, các đơn vị chức năng thuộc NHNN đã và đang xem xét nguyên nhân, kiểm điểm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm trong công tác thanh tra, giám sát, trong đó, có rà soát, đánh giá trách nhiệm của lãnh đạo các cấp để có biện pháp xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật và chấn chỉnh, ngăn chặn không để xảy ra những vi phạm tương tự.

Đồng thời, NHNN đã tăng cường công tác thanh tra, giám sát, xử lý tình trạng sở hữu chéo, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cổ đông, cổ phần; chỉ đạo các TCTD nâng cao năng lực quản trị, điều hành, tính minh bạch trong hoạt động, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao của các NHTM bảo đảm đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức; cảnh báo và quán triệt các TCTD về các hành vi vi phạm. Trường hợp TCTD tiếp tục" đối với các hành vi đã được cảnh báo sẽ được xem là cố ý và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật./.

Bảo Yến

Các bài viết khác