ĐBQH NGUYỄN DUY HỮU CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CHƯƠNG TRÌNH CẤP ĐIỆN NÔNG THÔN, MIỀN NÚI

30/03/2020

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk về kết quả triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu phản ánh, qua tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV cũng như báo cáo của Công ty điện lực Đắk Lắk cho thấy: hiện nay trên địa bàn Tây Nguyên còn 1.300 thôn, buôn chưa có điện quốc gia. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk có 627 thôn, buôn chưa phủ kín điện. Đặc biệt có 250 thôn, buôn chưa có điện.

Ngày 08 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chỉnh phủ ban hành Quyết định số 2081/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020. Trân trọng kính đề nghị Bộ Công Thương cho biết: Việc thực hiện quyết định trên của Thủ tướng đã được triển khai chưa, tiến độ giải quyết đạt kết quả như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk​

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, ngày 08 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2013-2020 tại Quyết đinh số 2081/QĐ-TTg.

Ngày 26 tháng 8 năm 2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo (Chương trình). Trong đó, ngoài các dự án cấp điện nông thôn theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013 còn có các công trình cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh thuộc vừng Đồng bằng sông Cửu Long.

Chương trình được đầu tư cấp điện cho 17 xã trắng chưa có điện, 9.890 thôn, buôn, bản chưa có điện và cấp điện cho các trạm bơm điện quy mô vừa và nhỏ tại 13 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình được thực hiện trên địa bàn 48 tình, thành phố trong phạm vi cả nước. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình là 30.186 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương và vốn ODA (85% tổng vốn đầu tư) cấp phát cho Chương trình là 21.508 tỷ đồng, phần 15% tổng vốn đầu tư còn lại do UBND các tỉnh, thành phố và EVN thu xếp.

Về tình hình thực hiện Chương trình, Theo Bộ Công Thương, để thực hiện được mục tiêu của Chương trình, Bộ Công Thương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2014-2020 và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn ODA để cấp phát cho Chương trình, đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Uỷ ban nhân dân các tỉnh thực hiện đầu tư các dự án thành phần thuộc Chương trình.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Năm 2014:

Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thực hiện đầu tư đưa điện về trung tâm của 13 xã huyện Mường Nhé thuộc tỉnh Điện Biên, 11 xã thuộc tỉnh Lai Châu và 320 thôn, ấp của các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng thuộc phạm vi dự án Phát triển năng lượng tái tạo và mở rộng, cải tạo lưới điện cấp điện cho các xã vùng sâu, vùng xa vay vốn Ngân hàng châu Á. Tổng vốn đầu tư cấp điện cho các xã nêu trên khoảng 350 tỷ đồng.

Năm 2015 và năm 2016:

Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính cân đối và phân bổ nguồn vốn NSTW 200 tỷ đồng để thực hiện đầu tư đưa điện về 16 xã và các thôn bản chưa có điện tại các tỉnh: Hà Giang, Nghệ An, Quảng Nam.

Phân bổ kế hoạch đầu tư năm 2016 cho 26 tỉnh (đã phê duyệt dự án đầu tư) trong 48 tỉnh thuộc Chương trình với tổng vốn đầu tư là 520 tỷ đồng, trong đó dự án cấp điện nông thôn của tỉnh Đăk Lắk được phân bổ 20 tỷ đồng; Bổ trí vốn NSTW cấp cho Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và EVN thực hiện đầu tư cấp điện cho các đảo: Cô Tô (tỉnh Quảng Ninh), đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) và đảo Cù Lao Chàm của tỉnh Quảng Nam 650 tỷ đồng.

Về kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2017 và những năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin: Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phân bổ nguồn vốn ngân sách trung ương trung hạn cho Chương trình là 4.150 tỷ đồng để thực hiện đầu tư từ năm 2017 đến năm 2020 trên địa bàn 45 tỉnh thuộc Chương trình, trong đó nguồn vốn trung hạn được bố trí cho tỉnh Đắk Lắk là 140 tỷ đồng (3 tỉnh còn lại gồm: Quảng Ninh, Vĩnh Long và An Giang chưa phê duyệt dự án nên không được bố trí nguồn vốn trung hạn từ ngân sách trung ương).

Do nguồn vốn ngân sách trung ương trung hạn trong giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế, mới chỉ bố trí cấp phát được khoảng 19,2% so với nhu cầu của Chương trình, vì vậy để triển khai thực hiện và đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra, cần phải huy động vốn ODA để bổ sung cho nguồn ngân sách trung ương cấp phát cho các Chủ đầu tư (UBND các tỉnh và EVN) để đầu tư các dự án thành phần của Chương trình.

Hiện nay, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm việc với Ngân hàng Châu Á (ADB) và Liên minh Châu Âu (EU) để vận động tài trợ ODA nhằm bổ sung nguồn ngân sách cấp phát cho Chương trình với số vốn khoảng 500 triệu USD. Nếu thành công, Hiệp định tín dụng sẽ được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ dự kiến vào năm 2018./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác