ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CÁ NHÂN KHI ĐỂ DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ, KÉM HIỆU QUẢ?

30/03/2020

Bộ Trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội về các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả: trách nhiệm của người trình dự án, người thẩm định dự án, người tổ chức thực hiện dự án.

Theo đó, tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Nội dung chất vấn: Xin hỏi Bộ trưởng, khi hình thành một dự án như thế (dự án bị chậm tiến độ, kém hiệu quả), những người đệ trình lên dự án này thuyết minh như thế nào, sau này dự án không thành công có trách nhiệm gì không, những người tham gia vào quả trình thẩm định dự án đó có ý kiến như thế nào về việc ra đời dự án, bây giờ dự án không hoàn thành có trách nhiệm gì không? Những người quá trình tổ chức thực hiện dự án bây giờ dự án không hoàn thành thì trách nhiệm như thế nào? Tất nhiên trách nhiệm ở đây không phải trách nhiệm của những người hiện tại như Bộ trưởng hiện nay mà từ những nhiệm kỳ tiền nhiệm trước đây.

Vì vậy, nếu như chỗ này chúng ta vẫn không chỉ ra được trách nhiệm, tôi nghĩ trong tương lai lại vẫn còn tình trạng như đại biểu Dương Trung Quốc nói những người tham gia vào quá trình đệ trình thì nhảy múa ăn mừng khi dự án được phê duyệt và khi dự án không hoàn thành, khi dự án thua lỗ lại tiêp tục đàn kền kền béo thêm. Xin Bộ trưởng chỉ trả lời khẳng định có quy định trách nhiệm được cho các bộ phận tham gia hay không?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội​

Trả lời chất vấn ĐBQH Hoàng Văn Cường, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, theo quy định của Nhà nước khi xây dựng, triển khai một dự án phải trải qua nhiều bước, mỗi bước hoặc giai đoạn triển khai có các cơ quan tham gia vào - quá trình thẩm định. Việc dự án triển khai nhưng không hoàn thành có thể có nhiều nguyên nhân nhưng trách nhiệm của mỗi cơ quan tham gia vào việc xây dựng, thẩm định, triển khai dự án sẽ được xác định theo các qui định pháp luật hiện hành. Vì vậy, trong trường hợp phát hiện dự án sai phạm ở bước nào, giai đoạn nào là có thể xác định được trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị tham gia, trên cơ sở đó xem xét, xử lý theo qui định.

Đối với 5 dự án đầu tư của ngành Công Thương đang gặp khó khăn thua lỗ được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2003 - 2009. Theo pháp luật về đầu tư ở giải đoạn này, các Tập đoàn, Tổng công ty được thành lập theo Quyết định số 90 và 91 của Thủ tướng Chính phủ, trực tiếp trình Thủ tướng Chính phủ các dự án có quy mô lớn để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Hội đồng thành viên của Tập đoàn, Tổng công ty đó tự thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, về phía các Bộ ngành và các cơ quan liên quan sẽ chịu trách nhiệm quản lý ngành như: Theo dõi việc thực hiện theo quy hoạch ngành, giám sát quá trình vận hành nhằm tuân thủ theo các quy định về sản phẩm, an toàn...

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đầu tư, Bộ Công Thương cho rằng cũng có một phần nguyên nhân do năng lực kinh nghiệm quản lý dự án của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, yếu kém, chưa được đào tạo nghiệp vụ quản lý dự án; bên cạnh đó cũng có nguyên nhân một số dự án có dấu hiệu chưa thực hiện đúng các qui định về pháp luật đấu thầu và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Bộ Công Thương khẳng định không bao che và sẽ nghiêm túc xử lý các sai phạm thuộc thẩm quyền của Bộ, nhận trách nhiệm đối với các sai phạm.

Riêng đối với các dự án đã được Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Chính phủ báo cáo tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (gồm: Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi Đình Vũ, Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam), thực hiện Nghị quyết của Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục khẩn trương báo cáo, đề xuất với Chính phủ xem xét, quyết định về hướng xử lý dứt điểm các dự án này. Trong đó, các phương án đề xuất với Chính phủ sẽ được thực hiện trên nguyên tắc: Không cấp thêm nguồn lực từ ngân sách nhà nước để xử lý tồn đọng của Dự án; bảo toàn tài sản của nhà nước ở mức cao nhất, giảm thiểu thiệt hại cho ngân sách cũng như cho tổng thể Dự án. Đối với từng Dự án sẽ có hướng đề xuất, xử lý cụ thể, trong đó có thể xử lý theo hướng kêu gọi hợp tác với các đối tác khác để cùng sản xuất đối với các Dự án còn khả năng về sản xuất và về thị trường, hoặc có thể tính tới việc bán lại Dự án cho các nhà đầu tư khác, thậm chí có thể cho dừng Dự án, tuyên bố phá sản. Bảo đảm công khai, rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của các đon vị, cá nhân có liên quan. Sau khi có kết luận chính thức, Bộ Công Thương sẽ xin báo cáo tới Đại biểu cụ thể về trách nhiệm và hình thức xử lý đối với các cá nhân, tập thể có liên quan để xảy ra sai sót, vi phạm ở các Dự án này./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác