ĐBQH HỒ THANH BÌNH CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ GIẢI PHÁP ĐẦU RA CHO NÔNG SẢN VIỆT NAM

30/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Công thương, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang, đề nghị Bộ Công thương nêu rõ những giải pháp bền vững để giúp tiêu thụ và xuất khẩu các nông sản của đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho biết, việc tìm đầu ra cho nông sản luôn là mối quan tâm của cử tri ở đồng bằng sông Cửu Long cũng như nông dân cả nước. Công tác thị trường, đặc biệt là thị trường phục vụ xuất khẩu đối với các nông sản chủ lực của Việt Nam như lúa gạo, thủy sản và trái cây vẫn còn lúng túng, bị động và đôi khi bế tắc. Xin Bộ trưởng cho biết ngành công thương có những giải pháp bền vững nào để giúp tiêu thụ và xuất khẩu các nông sản của đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn Việt Nam.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Hồ Thanh Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang về những giải pháp bền vững nào để giúp tiêu thụ và xuất khẩu các nông sản của đồng bằng sông Cửu Long cũng như toàn Việt Nam, Bộ Công thương cho biết:

Về vấn đề xuất khẩu và tìm đầu ra cho nông sản, Bộ Công thương cho biết, trong những năm qua, Chính phủ và các Bộ, ngành, trong đó có Bộ Công thương, luôn xác định công tác phát triển xuất khẩu nói riêng và tìm đầu ra cho nông sản hàng hóa nói chung là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Qua đó đã tập trung nhiều giải pháp để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam.

Bộ Công thương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt trong hoạt động của mình. Trong thời gian qua, Bộ đã và đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để thúc đẩy xuất khẩu nói riêng và tiêu thụ nông sản nói chung theo hướng đồng bộ, trong đó bao gồm 04 nhóm giải pháp chủ yếu như sau:

Thứ nhất, Bộ Công thương sẽ đàm phán mở cửa thị trường, tạo thị trường rộng lớn hơn và bình đẳng hơn cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Cụ thể, trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không được đối xử bình đẳng như hàng hóa của các nước trên một số thị tường, trong đó có thị trường Hoa Kỳ. Để thúc đẩy toàn diện xuất khẩu, trong đó có xuất khẩu nông thủy sản, ta đã quyết tâm đàm phán và đã đạt được thỏa thuận để gia nhập WTO vào năm 2006. Kể từ đó đến nay, trong vòng chưa đầy 10 năm, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng hơn 3 lần (từ trên 50 tỷ USD lên trên 160 tỷ USD). Hàng hóa của Việt Nam, trong đó có nông thủy sản, đã có mặt tại 200 nước và vùng lãnh thổ. Một số nông sản, thủy sản (như gạo, cà phê, hạt tiêu, nhân điều, tôm, cá tra và cá basa…) đã được liệt vào top đầu và chiếm thị phần khá lớn trên thị trường thế giới.

Thứ hai, Bộ sẽ tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, thúc đẩy xuất khẩu nông sản của Việt Nam vào các thị trường nhập khẩu trên thế giới. Trước xu hướng các thị trường nhập khẩu ngày càng tăng cường rào cản thương mại và kỹ thuật, Bộ Công thương đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn và hệ thống các Thương vụ của Việt Nam ở nước ngoài chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ mậu dịch, rào cản kỹ thuật, các vụ kiện của các nước nhập khẩu đối với nông lâm thủy sản của Việt Nam để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp. Bộ cũng đã chủ động đề xuất các giải pháp và phối hợp thực hiện nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật và thương mại bất hợp lý của nước ngoài.

Thứ ba, xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ Công thương đã tích cực thực hiện công tác quảng bá nông, lâm, thủy sản Việt Nam ở thị trường nước ngoài thông qua các Chương trình XTTM đồng thời hỗ trợ các Hiệp hội, địa phương triển khai các hoạt động XTTM của mình.

Thứ tư, tiếp tục thông tin, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương để triển khai các cam kết hội nhập và tiếp cận thị trường. Bộ Công thương đã tổ chức nhiều Hội thảo cung cấp thông tin về thị trường và về các FTA đã ký kết tại nhiều địa phương, qua đó giúp các doanh nghiệp hiểu hơn về các cơ hội có thể tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu./.

Thu Phương

Các bài viết khác