ĐBQH NGUYỄN THANH XUÂN CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH QUẢNG BÁ ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI VIỆT NAM TRÊN WEBSITE, MẠNG XÃ HỘI

30/03/2020

Bộ Thông tin và Truyền thông có Văn bản đã trả lời chất vấn của giải Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ về giải pháp đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam trên các website, mạng xã hội.

Trong phần chất vấn của mình, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân nêu rõ: Việc sử dụng truyền thông trực tuyến như: website, facebook, youtube... để quảng bá về đất nước, con người, nhất là ra thế giới, từ đó góp phân cho thu hút du lịch, thu hút đầu tư... đã được nhiều quốc gia khai thác rất triệt để, hiệu quả và cũng có tác dụng làm hạn chế thông tin xấu, tiêu cực... Tuy nhiên, ở đất nước ta chưa làm tốt về thông tin đối với đất nước, con người Việt Nam, hiện còn rất ít trên mạng truyền thông trực tuyến. Với thực tế trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân mong muốn Bộ trưởng cho biết những giải pháp để đẩy mạnh nội dung này trong thời gian tới.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân- Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Cần Thơ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân, ngày 08/12/2017, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: Bước vào thế kỷ XXI, với sự phát triển của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của công nghệ thông tin nói riêng, nhất là Internet, thế giới ghi nhận sự thay đổi nhanh chóng của các phương tiện truyền thống truyền thống và hình thành các phương tiện truyền thông mới. Các phương tiện truyền thông mới như website, blog, mạng xã hội (facebook), youtube đã được nhiều quốc gia trên thế giới tận dụng để xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nước, các dân tộc, khu vực, đối tác... nhằm mang lại những giá trị cốt lõi về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa ở mỗi quốc gia. Các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga... đã có rất nhiều kinh nghiệm trong hoạt động này, có thể làm bài học tham khảo cho Việt Nam.

Ở Việt Nam, trong những năm qua, Bộ TTTT đã chú trọng, chủ động cung cấp thông tin chính thống về Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế thông qua hệ thống báo chí, mạng xã hội, đặt hàng dịch vụ công góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm thiểu tổn hại hình ảnh đất nước, uy tín quốc gia. Bộ TTTT cũng xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, nhất là trong bối cảnh đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, thời gian qua, việc nhận thức cũng như thực tế triển khai sử dụng truyền thông trực tuyến như website, blog, facebook, youtube,... để xây dựng và quảng bá hình ảnh quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, khiến cho truyền thống mạng đôi khi lấn át, trở thành nguồn tin cung cấp “trái chiều” cho công luận, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín, hình ảnh và giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Để đẩy mạnh nội dung này trong thời gian tới, Bộ TTTT sẽ chỉ đạo thực hiện các việc tổ chức đánh giá thực trạng công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quảng bá hình ảnh đất nước của các nước trên thế giới. Xác định các kênh truyền thông trọng điểm, hướng tới các kênh truyền thông mới để đẩy mạnh thông tin, quảng bá hình ảnh đất nước, hạn chế thông tin xấu, tiêu cực, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh đất nước; Xây dựng chiến lược quảng bá hình ảnh Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và kỷ nguyên số phục vụ công tác thông tin đối ngoại, góp phần xử lý và hạn chế khủng hoảng; đẩy mạnh thông tin tích cực về các hoạt động của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, giải trình thuyết phục, phản ứng kịp thời hoá giải những thông tin bất lợi, gây tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và niềm tin trong nhân dân.

Bộ TTTT cũng chỉ đạo không ngừng cải tiến nội dung tuyên truyền và khuyến khích các cơ quan báo chí sử dụng các phương thức truyền thông mới, mạng xã hội để cung cấp thông tin chính thống về Việt Nam đến các đối tượng của thông tin đối ngoại. Tận dụng tối đa các kênh truyền thông xã hội nhằm lan tỏa thông tin, tiết kiệm chi phí và phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ, thay đổi thói quen của người tiếp nhận thông tin. Bên cạnh đó là phát triển mạnh báo in dưới dạng điện tử (e-paper) và thúc đẩy việc phát triển các trang mạng xã hội do người Việt Nam sáng tạo./.

Bích Lan

Các bài viết khác