ĐBQH BÙI ĐẶNG DŨNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG: GIẢI PHÁP NÀO CHẤM DỨT TÌNH TRẠNG KINH DOANH BÁN HÀNG ĐA CẤP LỪA ĐẢO?

30/03/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang đề nghị Bộ trưởng cần có giải pháp để chẩm dứt tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp lừa đảo tràn lan như hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phản ánh, thời gian gần đây, dư luận xã hội vô cùng phẫn nộ và bức xúc trước nhiều công ty kinh doanh bán hàng đa cấp lừa đảo mà không bị xử lý. Bán hàng đa cấp, người dân chưa được biết và hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này là bao nhưng những hệ lụy từ kinh doanh đa cấp lừa đảo đã đẩy hàng vạn người dân nghèo thêm nghèo khó, túng quẫn, hạnh phúc gia đình tan vỡ; kẻ lừa đảo thì ôm tiền tỷ của dân vẫn đang ung dung hưởng lợi mà không bị trừng phạt.

Điển hình như Công ty liên kết Việt lừa 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố chiếm đoạt 1.900 tỷ đồng; Công ty Thiên Ngọc Minh Uy, Liên kết tri thức, Amway... Xin Bộ trưởng cho biết: như vậy, Bộ có buông lỏng quản lý nhà nước trong việc quản lý kinh doanh bán hàng đa cấp không? Quan điểm của Bộ trưởng về việc này như thế nào? Bộ có giải pháp gì để chẩm dứt tình trạng kinh doanh bán hàng đa cấp lừa đảo tràn lan như hiện nay?

Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang

Trả lời Đại biểu Quốc hội Bùi Đặng Dũng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh được hầu hết các quốc gia trên thế giới thừa nhận và thực chất là một phương thức tiếp thị bán lẻ hàng hóa. Vì vậy, trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cũng thừa nhận hoạt động này. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở Việt Nam, bên cạnh một số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với mục tiêu đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng, còn tồn tại một số chủ thể lợi dụng, lấy mô hình bán hàng đa cấp làm bình phong để thực hiện các hoạt động thu hút tài chính mà không bán hàng thực sự. Một số vụ việc lợi dụng, kinh doanh bán hàng đa cấp trá hình thời gian qua đã gây ảnh hưởng và bức xúc lớn trong xã hội. Bộ Công Thương đã khẩn trương, nghiêm túc nhìn nhận lại việc này, trên tinh thần đánh giá thực chất những tồn tại, hạn chế trong hệ thống các qui định quản lý nhà nước cũng như trong khâu tổ chức thực thi, kiểm tra, giám sát thực hiện các qui định này để có biện pháp xử lý tổng thể, hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới.

Qua nhìn nhận, đánh giá lại thực tế các hoạt động kinh doanh đa cấp thời gian qua, mặc dù đã có nhiều biện pháp được triển khai để tăng cường quản lý, bao gồm cả biện pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật (ban hành Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp thay thế Nghị định 110/2005/NĐ-CP) và các biện pháp thực thi pháp luật như kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, nhưng Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhận thấy rằng công tác quản lý nhà nước đổi với hoạt động bán hàng đa cấp vẫn chưa thực sự hiệu quả, các vi phạm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp vẫn tồn tại và gây nên bức xúc cho người dân như Đại biểu phản ánh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các ĐBQH

Thực trạng này xuất phát từ các nguyên nhân chính là: Thứ nhất, quy định pháp luật đã được thắt chặt nhưng mới chỉ giúp quản lý được các doanh nghiệp kinh doanh chân chính, chưa kiểm soát được các biểu hiện biến tướng, lách luật tinh vi, phức tạp;

Thứ hai, công tác quản lý chưa được triển khai bài bản, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương chưa thực sự tốt;

Thứ ba, do công tác tuyên truyền, phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này mặc dù đã có nhiều nô lực nhưng rõ ràng còn nhiều hạn chế nên vẫn còn nhiều người dân chưa thực sự có nhận thức đúng về hoạt động bán hàng đa cấp và dễ bị lôi kéo vào tham gia các hoạt động đa cấp trá hình.

Nhận thức được vấn đề này, với trách nhiệm và quyết tâm lập lại trật tự trong hoạt động bán hàng đa cấp, từ đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Công Thương, lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý hoạt động bán hàng đa cấp tại các địa phương. Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị sô 02/CT-BCT ngày 09 tháng 3 năm 2016 về tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp.

Trực tiếp thành lập nhiều đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp với Bộ Công an và các lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và pháp luật cho người dân, đặc biệt là liên tục đăng tải các cảnh báo trên trang thông tin điện tử của Bộ để nâng cao nhận thức cho người dân về hoạt động bán hàng đa cấp.

Gần đây, ngày 31 tháng 10 năm 2016, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 30/CT-TTg về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp, trong đó Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng nghiệp vụ, công an các cấp tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, điều tra làm rõ các tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp hoặc lợi dụng kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế, huy động tài chính trái phép, kinh doanh trái phép... trên phạm vi cả nước để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp nêu trên, đến nay bước đầu đã cơ bản kiểm soát đối với hoạt động bán hàng đa cấp, nhiều doanh nghiệp đã bị xử phạt với số tiền rất lớn, số lượng doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã giảm từ 67 xuống còn 42, số lượng người tham gia cũng giảm khoảng 60% so với năm 2015. Có 18 trường hợp bán hàng đa cấp không đăng ký đã bị xử lý và công bố rộng rãi để người dân phòng tránh.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản lý đối với hoạt động bán hàng đa cấp, bảo vệ và hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với các bộ ngành liên quan và các địa phương tiếp tục triển khai các biện pháp đã phát huy hiệu quả trong thời gian vừa qua, trong đó cơ bản tập trung vào một số trọng tâm như sau:

Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật. Theo đó, tiến hành sửa đổi Nghị định 42/2014/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp nhằm thắt chặt hơn nữa cơ chế quản lý; hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ có quy định vê chế tài xử lý đối vói hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi, kiến nghị bổ sung tội danh về kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp vào Bộ luật hình sự 2015 để tạo cơ sờ pháp lý thuận lợi cho các cơ quan pháp luật truy cứu trách nhiệm hình sự của các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Phối hợp với các cơ quan quản lý ở địa phương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên từng địa bàn, hạn chế tối đa môi trường hoạt động của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính, trái phép

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi nhận thức của người dân được nâng cao thì các hoạt động lừa đảo sẽ không còn có cơ hội tồn tại, phát triển./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác