Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra chiều ngày 05/4, Chính phủ đã xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng.
Trước đó, vấn đề này đã được đưa ra tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Theo dự thảo Nghị quyết, có 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ bằng tiền gồm: Người có công với cách mạng (500.000 đồng/tháng), đối tượng bảo trợ xã hội (1 triệu đồng/tháng), người lao động (1,8 triệu đồng/tháng), hộ kinh doanh cá thể (1 triệu đồng/tháng), lao động tự do (1 triệu đồng/tháng), hỗ trợ doanh nghiệp (vay lãi suất 0%).
Cùng chung sức với các cơ quan, đơn vị, địa phương đảm bảo việc giải ngân gói hỗ trợ an sinh xã hội đến đúng đối tượng được thụ hưởng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ có những việc làm thiết thực. Để hiểu hơn về việc làm này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Phóng viên: Thưa đại biểu, dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến nền kinh tế-xã hội và đời sống của nhân dân. Nhằm hỗ trợ người dân gặp khó khăn, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã xem xét, thảo luận cho Dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội lên tới hơn 61.500 tỷ đồng đối với 6 đối tượng được thụ hưởng. Đại biểu nhìn nhận vấn đề này này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020, Chính phủ đã xem xét, thảo luận Dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng. Việc làm này thể hiện vai trò “bà đỡ” của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh, giữ chân được người lao động làm việc sau khi Việt Nam thoát khỏi được dịch Covid-19. Gói hỗ trợ của Chính phủ không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp mà bao gồm người có công với cách mạng, người yếu thế, người nghèo, lao động tự do, người bị mất việc làm... nhằm đảm bảo an sinh xã hội, đời sống của người dân và góp phần phục hồi dần nền kinh tế của đất nước.
Có thể nói, đây là quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ trong điều kiện ngân sách đang còn khó khăn, tăng trưởng kinh tế đang suy giảm. Gói hỗ trợ cũng khẳng định quyết tâm của Chính phủ là không đánh đổi, vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua sức khỏe và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân; đồng thời thể hiện bản chất tốt đẹp, sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với nhân dân.
Phóng viên: Theo đại biểu, trong gói hỗ trợ an sinh xã hội có điểm đặc biệt nào nổi trội hơn so với những gói hỗ trợ mà trước đó Chính phủ đã thực hiện?
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Gói hỗ trợ an sinh xã hội nhằm khắc phục hậu quả dịch Covid-19 với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng là gói hỗ trợ đặc biệt với mục đích hỗ trợ cho tất cả những người chịu tác động của dịch bệnh Covid-19. Điều đặc biệt dễ nhận thấy trong gói hỗ trợ này là mở rộng đối tượng được hưởng chính sách, trong đó có đối tượng chưa có trong tiền lệ được hỗ trợ. Ví dụ như người lao động không có hợp đồng lao động, lao động tự do, người bị mất việc làm nhưng chưa được hưởng trợ cấp thất nghiệp; hộ kinh doanh cá thể, hộ người nghèo.
Gói hỗ trợ với tổng giá trị lớn như vậy nhằm đảm bảo an sinh xã hội cho toàn dân và trên tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua gói hỗ trợ này, chúng ta tin tưởng rằng, mọi đối tượng bị tác động về mặt đời sống bởi dịch bệnh Covid-19 đều được quan tâm.
Phóng viên: Đại biểu có thể cho biết giải pháp để triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội này đến được đúng với người được thụ hưởng và không bị trục lợi?
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Khi thực hiện gói hỗ trợ, một người dân có thể được thụ hưởng đến 3 chính sách. Tuy nhiên, theo quy định của Dự thảo Nghị quyết, trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Để triển khai đưa gói hỗ trợ an sinh xã hội này đến được đúng với người được hưởng và không bị trục lợi thì các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng đối tượng được hỗ trợ để người dân có thể giám sát được.
Thông qua gói hỗ trợ an sinh của Chính phủ dành cho các đối tượng chịu tác động của dịch Covid-19, người dân phải có trách nhiệm hơn tới lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Y tế là tuân thủ tốt việc chống dịch Covid-19, coi chống dịch như chống giặc. Người dân cần thực hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, chia sẻ cùng nhau ổn định tinh thần, khắc phục khó khăn vượt qua dịch bệnh để duy trì sản xuất, lao động với hiệu quả cao nhất.
Phóng viên: Với gói hỗ trợ an sinh xã hội đặc biệt mà Chính phủ dành cho các đối tượng khắc phục dịch bệnh Covid-19, đại biểu có thể cho biết vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong việc thúc đẩy việc thực hiện đến đúng đối tượng được thụ hưởng hỗ trợ như thế nào?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao và ủng hộ Dự thảo Nghị quyết về gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng để hỗ trợ khó khăn cho các doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng khác bị tác động lớn bởi dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ có sự tuyên truyền, giải thích để các địa phương tổ chức triển khai kịp thời, đúng đối tượng được thụ hưởng.
Ngoài ra, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ đề nghị các thành viên của Ủy ban ở các địa phương cùng tham gia kiểm tra, giám sát việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến đúng đối tượng được hưởng và đem lại hiệu quả như mục tiêu của Chính phủ đề ra.
Phóng viên: Theo đại biểu, các đối tượng, doanh nghiệp phải làm gì để thụ hưởng chính sách, gói hỗ trợ an sinh xã hội từ ngân sách Nhà nước thực sự hiệu quả?
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Gói hỗ trợ với tổng trị giá hơn 61.500 tỷ đồng đều lấy từ nguồn ngân sách Nhà nước, là sự hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ để đảm bảo an sinh xã hội. Người dân được hưởng chính sách hỗ trợ phải sử dụng số tiền đúng mục đích, với mục tiêu đảm bảo đời sống, khắc phục khó khăn trong công việc. Còn doanh nghiệp được hỗ trợ cũng phải sử dụng gói hỗ trợ đúng mục đích duy trì sản xuất, kinh doanh và đảm bảo đời sống cho người lao động và góp phần đảm bảo nền kinh tế của đất nước không bị suy yếu quá nhiều.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!