ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CẦN SỬA ĐỔI THUẬT NGỮ “CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ” THÀNH “GIẤY PHÉP HÀNH NGHỀ” TRONG DỰ ÁN LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

11/04/2020

Góp ý về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), GS.TS Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, cho rằng Ban soạn thảo phải sửa đổi thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” thành “giấy phép hành nghề” thì mới giải tỏa được tranh luận, ý kiến trái chiều của các bác sĩ, chuyên gia y tế.

 

Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) gồm 9 chương, 125 điều đang được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, cán bộ y, bác sĩ trước khi trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Dự án nhận được nhiều ý kiến khác nhau đối với việc cấp chứng chỉ hành nghề y tế và giao cho đơn vị nào cấp để đảm bảo khách quan, minh bạch, trung thực và không xảy ra tiêu cực. Để rộng đường dư luận, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, trong Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu quan tâm đến vấn đề nào nhất và vì sao?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đề cập đến việc cấp chứng chỉ hành nghề. Qua các cuộc họp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia y tế, nhiều người đã bày tỏ sự không đồng tình với việc các cán bộ y tế phải có chứng chỉ hành nghề. Bởi vì nhiều người đã tốt nghiệp đại học, có học vị, học hàm về y khoa với bằng cấp cao hơn chứng chỉ mà lại phải đi thi chứng chỉ hành nghề thì mới được làm y, bác sĩ khám chữa bệnh thì rất vô lý.

Quy định phải có giấy phép hành nghề y đã được hầu hết các quốc gia trên thế giới yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các y, bác sĩ tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng hoặc có bằng đại học trở lên. Điều này là đúng bởi không phải người nào tốt nghiệp đại học y khoa trở lên là nghiễm nhiên được khám chữa bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Họ muốn làm được điều này thì ngoài trình độ chuyên môn ra phải có thêm  phẩm chất đạo đức tốt, trách nhiệm nghề nghiệp và một số yếu tố về luật pháp khác. Vì vậy những người có trình độ chuyên môn về y khoa phải trải qua 1 kỳ thi để được cấp giấy phép hành nghề do Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp.

Theo tôi, Ban soạn thảo Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải sửa đổi thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” thành “giấy phép hành nghề” trong Dự án Luật. Như vậy, tất cả các đối tượng có bằng cấp về y khoa phải có giấy phép hành nghề mới được phép khám chữa bệnh và kê đơn thuốc cho bệnh nhân.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải sửa đổi thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” thành “giấy phép hành nghề”. Vậy việc cấp giấy phép hành nghề cho các y, bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trung ương trực thuộc Bộ và các đối tượng là Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền nên thực hiện như thế nào?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trên thế giới, việc cấp giấy phép hành nghề phải có một hội đồng riêng, không liên quan gì đến Bộ Y tế. Ở Hàn Quốc, Hội đồng Y khoa Quốc gia do một tổ chức y tế tư nhân được phép thành lập và hoạt động rất hiệu quả.

Tham khảo mô hình hoạt động ở các nước trên thế giới, tôi đồng ý với việc Việt Nam có một Hội đồng Y khoa Quốc gia chịu trách nhiệm thực hiện cấp giấy phép hành nghề và nên hoạt động độc lập ngoài Bộ Y tế.

Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ bao gồm 1 Chủ tịch Hội đồng và 2 đến 3 Phó Chủ tịch và những người có hoạt động chuyên môn, hiểu biết về luật pháp và bao gồm  nhân viên của một vài phòng. Hoạt động của Hội đồng Y khoa Quốc gia chỉ tương đương với 1 Vụ ở cấp Bộ.

Trong khi điều kiện chưa cho phép thì hiện tại, Sở Y tế có nhiệm vụ thực hiện cấp mới, cấp lại và thu hồi giấy phép hành nghề với đối tượng Lương y; Người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền. Còn nếu trong tương lai khi có đầy đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết, tất cả các giấy phép hành nghề nên đưa hết về Hội đồng Y khoa Quốc gia cấp.

Phóng viên: Nếu Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) phải sửa đổi thuật ngữ “chứng chỉ hành nghề” thành “giấy phép hành nghề”, theo quan điểm của đại biểu, việc cấp giấy phép hành nghề nên thực hiện vô thời hạn hay có thời hạn trong thời gian 5 năm cho cán bộ y tế?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Đối với những người tốt nghiệp đại học y khoa, lần đầu tiên muốn khám chữa bệnh (kể cả người có học vị tiến sĩ), người muốn mở phòng mạch thì phải thi giấy phép hành nghề y. Sau đó, 5 năm một lần, Hội đồng Y khoa Quốc gia sẽ cấp lại giấy phép hành nghề với điều kiện y, bác sĩ phải khai báo trung thực việc tham gia học tập, tập huấn thường xuyên theo yêu cầu của Bộ Y tế. Tất cả việc học tập này đều được cấp chứng chỉ nên cán bộ y tế phải nộp bản photocopy có công chứng lên Hội đồng Y khoa Quốc gia thì mới được cấp lại giấy phép hành nghề.

Nếu cán bộ y tế khám chữa bệnh được 20 năm trở lên thì không cần phải bổ sung các loại chứng chỉ tham gia việc học tập, tập huấn thường xuyên theo quy định của Bộ Y tế nữa.

Phóng viên: Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người. Vì vậy, để chăm sóc sức khỏe của nhân dân được tốt thì đòi hỏi các bệnh viện phải có được đội ngũ y, bác sĩ có tay nghề, năng lực và phẩm chất đạo đức tốt. Vậy quan điểm của đại biểu như thế nào để kiểm soát việc cấp phát, cấp lại giấy phép hành nghề y tế đúng với năng lực của y, bác sĩ và không làm phát sinh tiêu cực, gian lận?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Để kiểm soát việc cấp phát, cấp lại chứng chỉ hành nghề y tế đúng với năng lực của y, bác sĩ và không làm phát sinh tiêu cực, gian lận thì Hội đồng Y khoa Quốc gia có thể tổ chức làm bài thi online dưới sự kiểm duyệt chặt chẽ, nghiêm túc. Trong quá trình thi, người nào làm đúng thì kết quả sẽ hiện lên trên máy tính nên Hội đồng chấm thi có thể chấm điểm và công bố ngay điểm bài làm của người dự thi sau khi kết thúc thời gian quy định.

Việc tổ chức thi nên chia ra từng chuyên khoa riêng. Ví dụ như Hội đồng thi cấp giấy phép hành nghề cho cán bộ y tế Tim mạch, huyết học.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan

Các bài viết khác