ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: MUỐN KIỂM SOÁT DỊCH BỆNH COVID-19 HIỆU QUẢ, CÁC ĐỊA PHƯƠNG CẦN CÓ GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ

17/04/2020

Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cương - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.Hà Nội, để người dân phải tuân thủ chặt chẽ quy định cách ly xã hội trong phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, các địa phương cần phải có biện pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn.

 

Theo Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 15/4/2020 về phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Ban Chỉ đạo về việc phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương để áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp

Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phải tiếp tục thực hiện cách ly xã hội. Đây là biện pháp quyết liệt để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân trước dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt và diễn biến khó lường. Để hiểu hơn về trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc sát cánh cùng lãnh đạo, nhân dân Thủ đô trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh Covid-19, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.


Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Phóng viên: Từ khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm dịch bệnh Covid-19 đầu tiên, các cấp chính quyền, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống và ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Đại biểu nhận xét như thế nào về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Có thể nói, việc chỉ đạo phòng chống lây lan nhiễm dịch Covid-19 của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền hết sức đồng bộ và quyết liệt. Không những thế, việc chăm lo cho đời sống nhân dân luôn được quan tâm nên người dân đã rất tin tưởng vào sự chỉ đạo của các tổ chức chính trị, đoàn thể.

Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ về việc cách ly xã hội, người dân đã thực hiện công việc này rất nghiêm túc như bảo ban nhau cùng thực hiện cách ly; đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau bằng những việc làm thiết thực như: nhiều doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ nhu yếu phẩm, thiết bị tiêu dùng, khẩu trang để người dân đảm bảo chăm sóc sức khỏe và không phải đi lại nhiều trong thời gian chống dịch, cách ly. Chính sự chỉ đạo đồng bộ từ cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân đã tạo nên những thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Phóng viên: Hiện nay, Hà Nội là thành phố có số lượng người nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước. Đại biểu nhận xét như thế nào về công tác cách ly, phòng chống lây lan dịch bệnh tại thành phố?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Việc cách ly xã hội của thành phố Hà Nội để phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2020 tương đối tốt. Chính vì thế, thành phố tạm kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều người dân vẫn còn chủ quan nên số người ra đổ đường trong những ngày gần đây tăng lên.

Theo nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, nếu người dân lơ là, chủ quan thì tất cả công sức của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể đã thực hiện từ trước đến nay có thể coi như “đổ bể”. Do vậy, để người dân phải tuân thủ chặt chẽ quy định cách ly xã hội trong thời gian tới thì thành phố cần phải có biện pháp triển khai đồng bộ và hiệu quả hơn.

Theo tôi, bên cạnh giải pháp cách ly xã hội thì lãnh đạo thành phố Hà Nội có thể tính đến phương án cách ly trong điều kiện có sự giám sát, chứ không phải là cấm người dân đi lại tuyệt đối. Theo đó, thành phố Hà Nội có thể đưa ra các tiêu chuẩn, quy định rõ ràng để người dân tuân thủ tốt việc cách ly. Những nơi nào người dân không thực hiện cách ly nghiêm túc thì địa phương phải có chế tài xử lý nghiêm minh.

Phóng viên: Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có Thư gửi các đại biểu Quốc hội Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình để sát cánh cùng nhân dân, chính quyền, tổ chức Đảng đoàn thể các cấp trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Xin đại biểu cho biết quan điểm về trọng trách, nhiệm vụ này như thế nào?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gửi Thư cho các đại biểu Quốc hội ngay sau khi Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung tay vào công cuộc phòng chóng dịch bệnh Covid-19. Điều này thể hiện sự đồng lòng, đồng tâm, đồng sức của cả hệ thống chính trị khi tham vào gia vào công cuộc phòng chống đại dịch này.

Thư của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi các đại biểu Quốc hội yêu cầu phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm của mình để sát cánh cùng nhân dân, chính quyền, tổ chức Đảng đoàn thể các cấp trong cuộc chiến đấu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Tôi cho rằng, sự đóng góp về tâm sức, trí tuệ của các đại biểu có ý nghĩa sẽ góp phần giúp cho chính quyền địa phương nhận thức rõ trách nhiệm của mình, áp dụng các biện pháp cần thiết trong việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo chăm lo cho đời sống người dân một cách tốt nhất.

Phóng viên: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đại biểu có thể đưa ra giải pháp để kiểm soát dịch bệnh được tốt hơn?

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 chưa chấm dứt và đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp. Nếu như không tiếp tục thực hiện cách ly xã hội thì coi như mọi nỗ lực trong việc phòng chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của chúng ta coi như “đổ bể”. Việc để cho một số tỉnh, thành phải kéo dài thời gian cách ly là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu và có phương thức cách ly xã hội một cách hiệu quả. Việc cách ly xã hội không có nghĩa là dừng hoàn toàn mọi hoạt động, không có nghĩa là tất cả mọi người không được đi làm và các cơ quan, nhà máy, công trường phải đóng cửa.

Tôi cho rằng, ở những điều kiện, phạm vi, chúng ta phải kiểm soát được tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh, cách ly như: khoảng cách giữa các lao động khi làm việc, vệ sinh, sát khuẩn nơi làm việc và bắt buộc người dân đeo khẩu trang để đảm bảo không gây ra ô nhiễm, ảnh hưởng tới người khác. Việc cách ly xã hội vẫn phải đảm bảo nguyên tắc người dân không được tiếp xúc gần và tạo nên sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên đẩy mạnh phát huy vai trò làm việc trực tuyến, giao dịch online. Việc cách ly xã hội không nên thực hiện theo hình thức địa phương này phải cách ly còn địa phương khác không phải.

Nếu xã hội thực hiện tốt các tiêu chuẩn, yêu cầu đề ra thì các địa phương có thể kéo dài thời gian cách ly xã hội nhưng các hoạt động kinh tế-xã hội và việc làm của người dân không bị gián đoạn.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan