Từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. Qua xác minh bước đầu, C03 phát hiện hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về Việt Nam chỉ có có giá khoảng 2,3 tỷ đồng, nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá cao hơn gấp 3 lần, trên 7 tỷ đồng.
|
Hành vi bị cả xã hội lên án
- Dư luận xã hội đang rất bức xúc về việc một số cá nhân ở CDC Hà Nội đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, lợi dụng chính sách phòng, chống dịch của Chính phủ, để móc ngoặc với doanh nghiệp nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phát hiện Covid-19, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước. Ông có suy nghĩ gì trước sự việc này?
- Vừa qua, chúng ta thấy sự nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống đại dịch Covid-19, nhằm bảo vệ sức, khỏe tính mạng của người dân. Thủ tướng đã đặt ra nhiều vấn đề có tính sâu rộng, bao quát tất cả các lĩnh vực trong công tác phòng, chống Covid-19: Một mặt, quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh lây lan; một mặt, giữ vững ổn định xã hội để phát triển kinh tế và dành nguồn lực để giải quyết những vấn đề hậu Covid-19. Cả xã hội cũng đã rất đồng tâm, hiệp lực cùng Chính phủ trong cuộc chiến này.
Đáng tiếc, bên cạnh sự nghiêm túc thực hiện các quy định, chỉ thị của Thủ tướng về phòng, chống dịch, thì một số cá nhân, tổ chức lại có hành vi vi phạm pháp luật hòng trục lợi. Đây là vấn đề bị cả xã hội lên án. Theo thông tin báo chí đưa, ngày 22.4 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại CDC Hà Nội, Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan; quyết định khởi tố bị can; lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, đối với bị can Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội. Tôi mong rằng, những cá nhân có hành vi sai phạm sẽ bị trừng trị nghiêm khắc và thích đáng.
- Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội ngày 17.4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định quan điểm của Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội là phải điều tra, xử lý nghiêm, không nương nhẹ bất cứ trường hợp vi phạm nào. Trong dịch bệnh mà có những hành vi sai trái thì phải xét thêm tình tiết tăng nặng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Xét tình tiết tăng nặng hay không còn phụ thuộc vào quy định của pháp luật. Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã liệt kê các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, trong đó có “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội”. Bản thân hành vi sai phạm của một số cá nhân ở CDC Hà Nội xuất phát từ việc lợi dụng diễn biến dịch bệnh, nâng khống giá trị gói thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch Covid-19 hòng trục lợi đã tương ứng với một trong các tình tiết tăng nặng mà pháp luật quy định. Tới đây, các cơ quan chức năng chắc chắn sẽ xem xét áp dụng đúng quy định của pháp luật.
Không để xảy ra tiêu cực thời gian tới
- Sự việc này cũng là một lời cảnh báo về tính minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước ứng phó với dịch Covid-19, thưa ông?
- Trước các chính sách, biện pháp quyết liệt của Chính phủ nhằm đối phó với dịch bệnh thời gian qua, tôi và cử tri đã rất quan tâm tới việc làm thế nào để những nguồn lực mà Chính phủ đưa vào phòng, chống dịch phải bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và ngăn chặn được các hành vi vi phạm pháp luật nhằm tham nhũng, trục lợi. Do đó, việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng cũng như các chính sách giãn thuế, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chịu sự tác động của đại dịch cũng phải được thực hiện đúng đối tượng, công khai, minh bạch; đồng thời, phải giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện để không xảy ra tiêu cực trong thời gian tới.
- Qua sự việc này, theo ông có thể rút ra bài học như thế nào về công tác cán bộ?
- Kể cả xét dưới góc độ đạo đức hay pháp luật thì hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi từ chính sách hết sức nhân văn của Chính phủ đều bị cả xã hội lên án. Trong khi toàn xã hội đều đang đồng lòng góp sức chống dịch, phát huy tinh thần đùm bọc sẻ chia, tương thân tương ái, thì một số cá nhân lại sinh lòng tham để trục lợi. Ở thời điểm khó khăn khi người ta kêu gọi sự hy sinh lợi ích bản thân thì anh lại đi ngược lại, trở thành những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Sự việc này cho chúng ta bài học về sự gương mẫu của cán bộ đảng viên, tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức, nhưng bài học lớn nhất, theo tôi là về công tác cán bộ, cụ thể là việc đánh giá, kiểm soát, giám sát cán bộ, công chức từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cho đến bổ nhiệm. Rõ ràng việc xem xét, đánh giá cán bộ của chúng ta có vấn đề. Không thể bao biện rằng tại thời điểm bổ nhiệm thì cán bộ này vẫn tốt. Cán bộ đã được đào tạo, thử thách, tôi luyện để trở thành cán bộ tốt, xứng đáng với vị trí được bổ nhiệm, thì không thể nói “hôm qua tôi tốt, ngày mai tôi có thể xấu”. Một cán bộ tốt trước hết phải làm đúng pháp luật và theo đúng lương tâm, đạo đức. Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, khó khăn hiện nay thì không cán bộ nào có thể làm trái với lương tâm, đạo đức được. Từ nay đến đại hội đảng các cấp, chúng ta phải xem xét lại công tác cán bộ để phòng ngừa, ngăn chặn những cá nhân như vậy có thể “lọt” vào bộ máy!
- Xin cảm ơn ông!