ĐBQH NGUYỄN HUY THÁI: BẤT CẬP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ, ĐĂNG KIỂM PHƯƠNG TIỆN CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ

24/04/2020

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể vừa có văn bản trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) về những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ khiến các doanh nghiệp khiếu kiện kéo dài.

Theo ĐBQH Nguyễn Huy Thái, cử tri tỉnh Bạc Liêu phản ánh: Tháng 4 năm 2014 Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản số 1264/ĐKVN-VAR thay đổi chính sách về tải trọng xe và hạ tải trọng xe ban đầu của Công ty TNHH MTV Huy Liệu (Công ty), tỉnh Bạc Liêu. Việc này theo phản ánh của Công ty, đã làm thiệt hại cho Công ty gần 100 tỉ đồng trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, các trạm thu phí BOT cung vẫn duy trì thu phí qua trạm theo Giấy chứng nhận đăng ký xe, do cơ quan Công an cấp, không theo tải trọng hàng hóa theo giấy tờ của cơ quan Đăng kiểm, sau khi xe đã hạ tải trọng.

Sự việc nêu trên đã gây ra nhiều bất cập và Công ty đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo giải quyết tồn tại tải trọng xe ban đầu. Và trong thời gian chờ được giải quyết, Công ty đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo để các trạm thu phí BOT trên phạm vi cả nước thống nhất mức thu theo Giấy chứng nhận kiểm định. Tuy nhiên gần năm năm qua, Công ty chưa được trả lời. Trân trọng đề nghị Bộ trưởng kiểm tra và thông tin cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu để trả lời cử tri.

ĐBQH Nguyễn Huy Thái (Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu) 

Trả lời ĐBQH Nguyễn Huy Thái, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, để siết chặt quản lý, kiểm tra các phương tiện chở hàng hóa quá tải trọng cho phép làm hư hỏng, xuống cấp công trình cầu, đường, gây mất ATGT, Bộ GTVT đã ban hành các Thông tư: số 07/2010/TT-BGTVT ngày 11/02/2010 (Thông tư 07) và số 03/2011/TT-BGTVT, ngày 22/2/2011 (Thông tư 03) và nay đã được thay thế bằng Thông tư số 46/2015/TT-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT. Theo đó, việc quản lý phương tiện chở hàng hóa đường bộ phải xác định đồng thời cả tải trọng trục và tổng trọng lượng (Trước khi Thông tư 07 có hiệu lực, việc kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm về tổng trọng lượng xe được xác định thông qua tải trọng trục). Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị đăng kiểm liên quan thực hiện qui định mới về công tác kiểm tra, chứng nhận đăng kiểm theo qui định của Thông tư 07, nên từ năm 2010 đến năm 2014 các đơn vị đăng kiểm vẫn xác định tổng trọng lượng xe thông qua tải trọng trục của phương tiện cơ giới đường bộ.

Đến năm 2014, thực hiện chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam, đơn vị đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ tỉnh Bạc Liêu đã kiểm tra và cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho 11 xe thân liền, loại 3 và 4 trục của Công ty TNHH MTV Huy Liệu, tỉnh Bạc Liêu (Doanh nghiệp) theo đúng qui định của Thông tư 07 và Thông tư 03. Theo đó, tổng trọng lượng cho phép của các phương tiện nêu trên đã được điều chỉnh giảm phù hợp với qui định hiện hành.

 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể

Tuy nhiên, Doanh nghiệp không đồng tình và cho rằng, các đơn vị đăng kiểm và “Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ban hành văn bản văn bản số 1264/ĐKVN-VAR để thay đổi chính sách về tải trọng xe và hạ tải trọng xe ban đầu... làm thiệt hại cho Công ty gần 100 tỷ đồng...”; đồng thời đã nhiều lần có văn bản khiếu nại và để nghị các đơn vị đăng kiểm cần thực hiện phương pháp xác định tổng trọng lượng xe cho phép, thông qua việc tính toán tải trọng trục như trước. Về vấn đề này, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT cũng đã có nhiều văn bản trả lời và khẳng định việc các đơn vị đăng kiểm đã điều chỉnh tổng trọng lượng cho phép đối với 11 phương tiện của Doanh nghiệp là đúng quy định hiện hành.

Liên quan về những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý, đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ nêu trên, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình và yêu cầu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam nghiêm túc rút kinh nghiệm, do chậm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị liên quan triển khai kịp thời công tác kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm theo qui định mới và chưa thẳng thắn nhận thiếu sót, trách nhiệm của mình, để Doanh nghiệp phản ánh, khiếu kiện kéo dài, qua nhiều cấp quản lý.

Về vấn đề thu phí qua các trạm BOT không theo giấy chứng nhận kiểm định, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, theo qui định tại Thông tư số 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ và đến nay là Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT thì phương tiện sử dụng dịch vụ đường bộ thuộc đối tượng thanh toán phí theo 5 nhóm. Theo đó, Doanh nghiệp có 11 xe thân liền, loại 3 và 4 trục; mỗi xe có tổng trọng lượng từ 24 tấn đến 30 tấn, nên sẽ có cùng mức phí phải chi trả khi qua các trạm thu phí BOT thuộc Nhóm 5.

Vì vậy, mức thu phí qua các trạm BOT đường bộ đối với các phương tiện của Doanh nghiệp là không có sự thay đổi, sau khi các đơn vị đăng kiểm điều chỉnh tổng trọng lượng của xe phù hợp với qui định hiện hành. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã tiếp nhận thông tin, ý kiến của quý Đại biểu và chỉ đạo các cơ quan liên quan thuộc Bộ xem xét các nội dung kiến nghị nêu trên trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác