ĐBQH NGUYỄN THANH HẢI: GIẢI PHÁP NÀO KIỂM SOÁT TÌNH TRẠNG LỪA ĐẢO BÁN NHÀ, ĐẤT TẠI CÁC DỰ ÁN KHÔNG CÓ THẬT?

25/04/2020

Tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đã có ý kiến gửi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về giải pháp kiểm soát tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất tại các dự án không có thật đã diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.

 

Theo ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, tình trạng lừa đảo bán nhà, bán đất tại các dự án không có thật đã diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương. Một tình trạng nữa cũng đang sốt lên trong thời gian qua, đó là tình trạng đầu cơ đất đai thổi giá cả để hưởng chênh lệch mà giá trị thực còn thấp hơn nhiều lần giá trị chuyển nhượng tại các địa phương có nền kinh tế trọng điểm khu đô thị.

ĐBQH Nguyễn Thanh Hải đề nghị Chính phủ cần có giải pháp kiểm soát để tránh gây đổ vỡ nền kinh tế theo hướng domino, nếu thị trường bất động sản có biến động lớn như cách đây nhiều năm đã từng xuất hiện bởi phần lớn nguồn tiền đầu tư đến từ nguồn vay của các tổ chức tín dụng.

 ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) 

Trả lời ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thanh Hải, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thực trạng công tác quản lý thời gian qua ở một số địa phương đã xảy ra một số vụ việc đúng như Đại biểu phản ánh, như tình trạng đầu cơ đất đai gây sốt đất, vị phạm của một số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, kiểu như Công ty Alibaba,...

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do: Thực tiễn hiện nay việc thi hành Luật Đất đai ở một số địa phương vẫn còn có tồn tại, hạn chế, chưa quyết liệt chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm, đặc biệt là một số dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng; xử lý kịp thời các dự án kiểu như “kiểu Alibaba” trên địa bàn; một số nội dung quy định của pháp luật về đất đai thực hiện chưa nghiêm; việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất thông qua đấu giá đất còn hạn chế,...

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các tổ chức, cá nhân được biết, tuân thủ theo đúng các quy định về việc thực hiện dự án đầu tư, việc mua bán kinh doanh nhà đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan còn hạn chế. Người dân chưa tìm hiểu kỹ các dự án trước khi mua bán, nhiều nhà đầu tư bất động sản có thói quen chấp nhận rủi ro sẵn sàng bỏ tiền mua đi, bán lại bất động sản để đạt được lợi nhuận cao.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn các ĐBQH

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, để lành mạnh hoá thị trường bất động sản Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, đối với vụ việc của của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 33/TCQLĐĐ-CKSQLSDĐ ngày 07 tháng 01 năm 2019 gửi UBND tỉnh Đồng Nai và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị khân trương thanh tra, kiểm tra rà soát làm rõ thông tin phản ánh của báo chí, xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật. Đồng thời để ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng vi phạm “kiểu Alibaba” nêu trên trên phạm vi cả nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 4944/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 30 tháng 9 năm 2019 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nội dung nhằm chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp sau: Trước mắt, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chỉ đạo đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 82/2019/QH14 ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2018, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất bổ sung ngay chế tài đối với những chủ đầu tư thực hiện các dự án nhưng không thực hiện đầy đủ thủ tục về giao đất cho thuê đất vào Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, đang được Chính phủ xem xét ban hành. Trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Bộ sẽ đề xuất quy định chặt chẽ hơn về trình tự thủ tục liên quan đến giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát quá trình sử dụng đất và quá trình người dân thực hiện các giao dịch đất đai tại địa phương trong quá trình sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai năm 2013.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chỉ đạo cụ thể các Sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã rà soát lại tất cả các dự án trên địa bàn và công khai tên từng dự án đầu tư. Các cấp các ngành cần tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về các thủ tục liên quan đến giao dịch quyền sử dụng đất trong các dự án bất động sản để từ đó thận trọng hơn khi tham gia các giao dịch. Chính quyền địa phương các cấp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động của các dự án kinh doanh bất động sản địa bàn.

Về lâu dài, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quan điểm định hướng sửa đổi chính sách, pháp luật đất đai để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên đó là: Quán triệt việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, yêu cầu cần có chế tài đồng bộ, cụ thể để xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực thi pháp luật để phát hiện kịp thời, ngăn chặn, xử lý nghiêm đối với các dự án đầu tư đã được giao đất, thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư tránh để hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đổi mới phương thức xử lý đối với các trường hợp để hoang hóa, lãng phí đất đai bằng cơ chế tài chính như đánh thuế tài sản để các nhà đầu tư không có đủ năng lực đầu tư buộc phải trả lại đất cho Nhà nước hoặc chuyển giao cho các nhà đầu tư có đủ năng lực để sử dụng.

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan (đầu tư, xây dựng, tài chính, ngân hàng,...) để đảm bảo sự đồng bộ, đảm bảo các quy định kiểm soát năng lực đầu tư, tài chính, quản lý dự án của nhà đầu tư, sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, cơ quan có liên quan; tăng cường việc đấu giá quyền sử dụng đất tăng nguồn thu cho ngân sách, hạn chế tham nhũng; đặc biệt sẽ quy định hạn chế tối đa việc thu hồi đất ở để thực hiện dự án đầu tư, đổi mới phương thức sử dụng đất thực hiện dự án trên cơ sở chi phí - lợi ích, chia sẻ để đảm bảo quyền lợi của người có quyền sử dụng đất - nhà nước - nhà đầu tư; đồng thời giao trách nhiệm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cá nhân có thẩm quyền ký quyết định thu hồi đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thu hồi đất, bố trí tái định cư, ổn định cuộc sống người dân có đất bị thu hồi đến khi việc tổ chức thực hiện dự án đạt hiệu quả theo quy định./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác