ĐBQH BÙI SỸ LỢI CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM ỦY BAN DÂN TỘC VỀ GIẢI PHÁP GIẢM TỶ LỆ HỘ NGHÈO VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

25/04/2020

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến làm rõ trách nhiệm về tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc rất cao, dẫn đến sự chênh lệch về giàu, nghèo giữa các vùng miền và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác và giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội. Trong thực tế hiện nay tổng dân số của 53 dân tộc thiểu số chiếm 14%, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc rất cao, cứ 3 người đồng bào dân tộc thì có 1 người nghèo và 2 người nghèo của cả nước thì có một người nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số.

Điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc thiểu số rất thấp so với bình quân của cả nước, có nơi chỉ bằng 1/3 bình quân thu nhập của cả nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch về giàu, nghèo giữa các vùng miền và đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số với các dân tộc khác.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm rõ trách nhiệm, giải pháp của Ủy ban Dân tộc để khắc phục tình trạng trên?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến tại phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trả lời chất vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, số hộ nghèo cả nước cuối năm 2017 là 1.642.000 hộ, trong đó hộ dân tộc thiểu số nghèo là 864.931 hộ, chiếm 52,66%. Thu nhập bình quân chỉ khoảng 7 - 8 triệu đồng/1 người/1 năm đối với nhiều nhóm dân tộc và nhiều vùng, miền. Như vậy, so với bình quân chung của cả nước là 37 triệu thì chỉ bằng 1/5.

Về trách nhiệm của Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này thế nào, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, ngay khi được phân công thực hiện nhiệm vụ này tháng 4 năm 2016 đã tích cực tham mưu với Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành và hệ thống để tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2085 ngày 31/10/2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chính sách này nhằm giải quyết 4 vấn đề: Giải quyết căn bản, hỗ trợ cho đồng bào về đất ở; Hỗ trợ cho đồng bào đất sản xuất; Hỗ trợ cho đồng bào nước sinh hoạt; Hỗ trợ đồng bào vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện thì cũng còn một số khó khăn nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. Hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng miền núi là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành theo đúng Nghị quyết 24 của Ban chấp hành Trung ương về công tác dân tộc. Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu chính, trước những khó khăn của đồng bào, Ủy ban Dân tộc cũng thấy rõ trách nhiệm của mình.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn các ĐBQH

Trả lời chất vấn của Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội, Chủ nhiệm - Bộ trưởng Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết:

Thứ nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông, thông tin kết nối vùng dân tộc thiểu số với vùng động lực phát triển.

Thứ hai là phải đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực và phát triển giáo dục, đào tạo vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban Dân tộc cũng đã tham mưu để Chính phủ ban hành Nghị quyết số 52 về phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi và ban hành Quyết định số 1557 về mục tiêu thiên niên kỷ sau năm 2015 đối với vùng dân tộc thiểu số, đưa ra 9 chỉ tiêu cụ thể.

Thứ ba là phải tạo sinh kế cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng điều quan trọng số 1 là phải ổn định được dân cư. Chỉ riêng khu vực Tây Nguyên đã là 19.000 hộ cần phải ổn định dân cư, đưa vào các điểm quy hoạch tái định cư. Tạo sinh kế tức là phải giải quyết đất sản xuất, nước sinh hoạt, đất ở để đồng bào ổn đinh, phải hỗ trợ khởi sự kinh doanh và tiêu thụ những sản phẩm mà bà con làm ra.

Thứ tư là tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con để bà con tự hào về nguồn cội của mình, tự tin là mình có thể làm được mọi việc và tự lực để phát huy nội lực của mình, tự vươn lên không trông chờ, dựa dẫm vào nhà nước.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay cần nhất là phải tích hợp tất cả các chính sách lại để thành một chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với chương trình đó, có sự tập trung đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo và có mục tiêu cụ thể, hệ thống tiêu chí đánh giá, sau 5 năm, 10 năm chúng ta đánh giá lại sẽ thấy kết quả rõ hơn.

Bên cạnh đó, trong khi bà con đang khó khăn về giải quyết đất sản xuất và sinh kế thì việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng là một giải pháp rất căn cơ để chúng ta có thể khắc phục được khó khăn hiện nay để có việc làm, tăng thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần giảm sự chênh lệch về giàu, nghèo giữa các vùng miền./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác