ĐBQH THÁI TRƯỜNG GIANG: KIẾN NGHỊ CHÍNH PHỦ SỚM BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI

25/04/2020

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XIV, Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định quản lý nợ bảo hiểm xã hội, xử lý nợ đối với các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động và không còn phát sinh giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

 

Theo ĐBQH Thái Trường Giang, hiện nay chưa có quy định của pháp luật cho phép khoanh nợ, mà phải theo dõi và tính lãi phát sinh hàng tháng, trong khi doanh nghiệp, tổ chức không còn khả năng thanh toán. Số nợ thuộc dạng này ngày càng tăng cao nếu không có hướng xử lý kịp thời. Do đó, ĐBQH Thái Trường Giang kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định quản lý nợ bảo hiểm xã hội, xử lý nợ đối với các đơn vị giải thể, phá sản, ngừng hoạt động và không còn phát sinh giao dịch với cơ quan bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) 

Trả lời chất vấn ĐBQH Thái Trường Giang, Thủ tướng Chính phủ cho biết, theo quy định tại Điều 17 và Điều 122 Luật Bảo hiểm xã hội thì trốn đóng, chậm đóng, chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là các hành vi bị nghiêm cấm. Các hành vi nêu trên thường được gọi chung là nợ bảo hiểm xã hội; trường hợp doanh nghiệp vi phạm các hành vi nêu trên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.

Thời gian qua, trước tình hình nợ bảo hiểm xã hội diễn biến phức tạp, Chính phủ đã trình Quốc hội một số biện pháp căn cơ nhằm hạn chế tình trạng nợ bảo hiểm xã hội, bảo đảm quyền lợi người lao động.

Cụ thể: Quy định định kỳ người lao động được doanh nghiệp, cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin về tình hình đóng bảo hiểm xã hội của mình; Tổ chức công đoàn có quyền khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội; Bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội; Tăng gấp đôi mức lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội (từ 01 lần lãi đầu tư quỹ lên 02 lần lãi đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội); Cho phép doanh nghiệp gặp khó khăn được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng mà không phải tính lãi chậm nộp; cho phép doanh nghiệp còn chậm đóng thì được đóng riêng cho từng người lao động để kịp thời giải quyết quyền lợi; Bổ sung tội trốn đóng bảo hiểm xã hội trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Với các biện pháp nêu trên, tình hình nợ bảo hiểm xã hội đã giảm từ 5,84% số phải thu ở năm 2013 xuống còn 2,43% số phải thu vào năm 2018. Như vậy, sau 5 năm, tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội đã giảm hơn một nửa.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn các ĐBQH

Theo Thủ tướng Chính phủ, mặc dù vậy, một số doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian dài nay còn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thậm chí đã phá sản hoặc chủ đã bỏ trốn thì quyền lợi về bảo hiểm xã hội của người lao động vẫn còn bị ảnh hưởng. Vừa qua, Chính phủ đã có Báo cáo số 193/BC-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 xin ý kiến Quốc hội về việc bảo đảm quyền lợi của người lao động theo quy định tại khoản 7 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội. Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, tăng cường tính tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, hạn chế tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, đặc biệt là những trường hợp chậm đóng trong thời gian dài, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm nắm bắt, quản lý được đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; xây dựng ứng dụng tra cứu thông tin về bảo hiểm xã hội trên thiết bị di động nhằm cung cấp kịp thời thông tin đóng, hưởng bảo hiểm xã hội tới người lao động; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội; nghiên cứu, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức công đoàn và các cơ quan liên quan thực hiện việc khởi kiện, khởi tố các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng, gian lận bảo bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu phương án bảo đảm quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp đã phá sản, ngừng hoạt động hoặc chủ bỏ trốn mà còn nợ bảo hiểm xã hội, sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội.

Về nội dung Đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ ban hành quy định về xử lý nợ bảo hiểm xã hội, nghiên cứu một số trường hợp khoanh nợ bảo hiểm xã hội, vấn đề này thuộc phạm vi của Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án tổng thể trong quá trình sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác