ĐBQH HÀ THỊ LAN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG, CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI VÀ HÀNG GIẢ

29/04/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, ĐBQH Hà Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đề nghị làm rõ kết quả thực hiện mô hình Tổng cục ngành dọc từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vì sao một số vụ việc chậm được kết luận, làm rõ sau phạm và xử lý?

ĐBQH Hà Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) cho biết, theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương có trách nhiệm tăng cường công tác quản lý thị trường, tổ chức lực lượng chuyên trách của Nhà nước để phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

ĐBQH Hà Thị Lan đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: Sau một năm tổ chức quản lý thị trường theo hệ thống dọc trực thuộc Bộ Công Thương, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên tốt hơn khi để tổ chức thuộc các địa phương ở những điểm nào? Chống tiêu cực trong nội bộ đạt kết quả như thế nào? Bên cạnh đó, vừa qua nổi lên một số vụ việc: xăng dầu có trụ sở ở Sóc Trăng, xuất xứ nhôm 4,3 tỷ USD, Lụa Khaisilk, Asanzo đều có dấu hiệu hàng giả, gian lận thương mại. Trách nhiệm kiểm soát của Bộ đến đâu? Tại sao các vụ việc chậm được kết luận, làm rõ sau phạm và xử lý?

ĐBQH Hà Thị Lan (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang)

Trả lời chất vấn ĐBQH Hà Thị Lan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau một năm hoạt động theo mô hình Tổng cục ngành dọc từ Trung ương đến địa phương đã thể hiện rõ ưu điểm, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác điều hành, quản lý, nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát, phối hợp giữa các đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành theo nguyên tắc tập trung thống nhất, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ứng phó kịp thời đối với các diễn biến bất thường, tác động tiêu cực trên thị trường, góp phần ổn định thị trường, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý nhà nước. Lực lượng Quản lý thị trường đã triển khai thực hiện nhanh và có hiệu quả nhiêu kế hoạch công tác triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bên cạnh đó, Lực lượng Quản lý thị trường đã tấn công được vào những điểm nóng, đường dây, ổ nhóm về hàng giả, hàng lậu lớn mà trước đây chưa bao giờ làm được, ví dụ: 02 Trung tâm thương mại bán hàng giả tại Móng Cái, Quảng Ninh; các điểm nóng về sản xuất và kinh doanh hàng giả tại Hà Nội (chợ Ninh Hiệp, Phú Xuyên) và tại Thành phố Hồ Chí Minh (chợ Bến Thành); kiểm tra xử lý các kho, cửa hàng bán hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng thế giới tại Hưng Yên, Hải Phòng, Nha Trang, vừa qua, đã kiểm tra, thu giữ gần 300 tấn đường cát nhập lậu tại Bình Dương...

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn các ĐBQH

Kết quả kiểm tra, xử lý: sau 01 năm hoạt động, lực lượng Quản lý thị trưởng kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Các vụ việc chuyển sang cơ quan tố tụng hình sự: 107 vụ việc, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.

Trong năm qua, Tổng cục Quản lý thị trường đã tham mưu cho Bộ trình Chính phủ xem xét, ban hành 03 Nghị định và 03 Thông tư. Đồng thời, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các văn bản pháp luật để hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.

Về công tác kiểm tra nội bộ, sau gần 01 năm đi vào hoạt động, Tổng cục Quản lý thị trường đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật và thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ; tăng cường kiểm tra đột xuất chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương lao động; đã tổ chức 54 cuộc kiểm tra đột xuất kỷ luật, kỷ cương hành chính tại 26 Cục Quản lý thị trường tỉnh, thành phố. Qua đó, đã kịp thời xử lý, chấn chỉnh đối với vi phạm về hoạt động công vụ tại các đơn vị. | Trong thời gian qua, hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực về hiệu quả hoạt động, lan tỏa đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói riêng, xuất hiện nhiều điểm sáng về hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tình hình thị trường có chuyển biến tích cực.

Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ cấu tổ chức, cán bộ của Tổng cục Quản lý thị trường theo đúng tinh thần tại các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ; xây dựng các chiến lược phát triển lực lượng Quản lý thị trường theo từng giai đoạn nhằm đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đối với các vụ việc Đại biểu Quốc hội nêu như Xăng dầu, Lụa Khaisilk, Asanzo... Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cùng các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành kiểm tra, làm rõ các nội dung liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật. Hồ sơ của các vụ trên đang thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Công an, Bộ Tài chính. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp cùng các Bộ ngành tăng cường công tác quả lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác