ĐBQH HUỲNH THANH PHƯƠNG CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP GIẢI QUYẾT THÔNG TIN SAI SỰ THẬT TRÊN CÁC TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ VÀ MẠNG XÃ HỘI

29/04/2020

Trước tình trạng đăng tải các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, kinh tế và tính mạng, gây hoang mang, bức xúc bất an xã hội, đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đã có phiếu chất vấn đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về giải pháp giải quyết tình trạng trên.

 

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh gửi đến Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Thời gian qua, tình trạng các cá nhân và tổ chức nhất là các đối tượng thù địch, các loại tội phạm đăng tải các thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội xuyên biên giới, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự, kinh tế và cá tính mạng, gây hoang mang, bức xúc bất an xã hội. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp để giải quyết vấn đề trên một cách căn cơ, ổn định dự luận xã hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết những giải pháp Bộ Bộ Thông tin và Truyền Thông đã và đang triển khai để giải quyết vấn đề trên một cách căn cơ, ổn định dư luận xã hội. Cụ thể:

Bộ bám sát tình hình, kịp thời chỉ đạo các cơ quan báo chí nâng cao vai trò của cơ quan quản lý, kịp thời thông tin định hướng thông tin dẫn dắt dư luận. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải nhiều tin, bài nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những nguy cơ, tác động tiêu cực trên môi trường mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, đặc biệt khả năng sàng lọc, nhận diện được những kênh thông tin xấu động theo cách riêng, chủ động phòng tránh, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác khi tiếp nhận thông tin trên mạng.

Chủ động phát huy vai trò định hướng thông tin, kịp thời xác minh, cung cấp thông tin chính thống để góp phần ổn định an ninh trật tự, kinh tế - xã hội.

Vạnh trần các phương thức, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng tin giả để gây nhiễu loạn thông tin, hoang mang dư luận và bất ổn an ninh chính trị.

Quán triệt sâu rộng đến phóng viên, biên tập viên thực hiện Quy tắc sử dụng Mạng xã hội của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành.

Xây dựng và triển khai bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam, để tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi ứng xử trên mạng xã hội của người dân.

Tập huấn cho bộ phận truyền thông của các Bộ, ngành về kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ cũng chủ động đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook và Google bằng nhiều biện pháp buộc 02 nền tảng này phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam đồng thời yêu cầu Facebook và Google có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên nền tảng facebook và Youtube.

Về giải pháp pháp lý, truyền thông, Bộ đã rà quét thu thập các bằng chứng vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook, tổ chức cung cấp cho báo chí trong và ngoài nước để phê phán công khai

Về giải pháp kinh tế, Bộ chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính, tham mưu phương án ngăn chặn dòng tiền thanh toán cho các dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam của Facebook và Google.

Về giải pháp kỹ thuật, xây dựng, triển khai hoạt động của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhằm giám sát, phát hiện kịp thời nguồn thông tin vi phạm trên môi trường mạng.

Về, giải pháp ngoại giao, tổ chức các cuộc đàm phán, đấu tranh quyết liệt với Facebook buộc Facebook phải nhượng bộ, đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam; thiết lập cơ chế làm việc giữa Bộ Thông tin và Truyền thông với Facebook và Google.

Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo các nhà mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật mới để ngăn chặn hiệu quả sự phát tán của các nguồn thông tin vi phạm trên các trang của nước ngoài. Tăng cường công tác phát hiện và xử lý các đối tượng cung cấp thông tin vi phạm trên mạng xã hội.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu quản lý được thông tin trên mạng, đặc biệt là trên các nền tảng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam./.

Bảo Yến

Các bài viết khác