ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN TRUYỀN THÔNG PHÒNG TRÁNH CÁC THÔNG TIN XẤU, ĐỘC

29/04/2020

Gửi văn bản chất vấn Bộ Thông tin và Truyền thông, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị Bộ giải trình lý do vì sao chưa chỉ đạo hướng dẫn truyền thông kịp thời, thường xuyên để cán bộ, nhân dân nhận biết, chủ động phòng tránh những kênh thông tin xấu độc.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông giải trình rõ lý do vì sao chưa chỉ đạo hướng dẫn truyền thông kịp thời, thường xuyên để cán bộ, nhân dân nhận biết được những kênh thông tin xấu độc, chủ động phòng tránh, tẩy chay, không vào xem.

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, bên cạnh hệ thống cơ quan thông tấn, báo chí, trang tin điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương được cấp phép và  hoạt  động tuân thủ quy định của pháp luật, còn tồn tại một số lượng lớn các trang web, blog, mạng xã hội,... của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đang tải thông tin, ý kiến trao đổi, bình luận về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, mục đích khác nhau không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin; trong đó chứa đựng cả những thông tin xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.

Song song với việc phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi cố tình đưa tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo các cơ quan báo chí chủ  động cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ để định hướng dư luận xã hội, đồng thời, đấu tranh, phản bác lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực phản động. Việc truyền thông, thông báo về các địa chỉ thông tin xấu độc để người dân tẩy chay không vào xem có thể dẫn tới hậu quả phản tác dụng do kích thích tính tò mò, nhất là đối với giới trẻ. Đối với những thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, cập nhật danh sách các kênh thông tin xấu độc để yêu cầu Facebook, Google hợp tác ngăn chặn, gỡ bỏ.

Bện cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thường xuyên phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng thông tin. Thời gian qua, Bộ, Ban ngành đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền tới người dân thông tin về trung tâm tiếp nhận phản ánh thông tin xấu, sai sự thật với khả năng xử lý tin 100 triệu tin/ngày và sẽ nâng cấp lên 300 triệu tin/ngày trong thời gian tới. Trung tâm sẽ là đầu mối tiếp nhận và chuyển đến cơ quan chuyên môn

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải nhiều tin, bài nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những nguy cơ, tác động tiêu cực trên môi trường mạng Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng, đặc biệt khả năng sàng lọc, nhận diện được những kênh thông tin xấu động theo cách riêng, chủ động phòng tránh, giúp người dân nâng cao tin thần cảnh giác khi tiếp nhận thông tin trên mạng./.

Thu Phương

Các bài viết khác