ĐBQH VÕ THỊ NHƯ HOA CHẤT VẤN BỘ LĐ, TB &XH VỀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN BẮT BUỘC VÀ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN TỰ NGUYỆN

29/04/2020

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng) có văn bản chất vấn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội một số vấn đề liên quan đến công tác cai nghiện ma túy và hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo.

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa chất vấn một số nội dung

Đại biểu Quốc hội Võ Thị Như Hoa cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác cai nghiện bắt buộc, đồng thời đề nghị tăng cường công tác cai nghiện bắt buộc và công tác cai nghiện tự nguyện và xã hội hóa hoạt động cai nghiện ma túy. Ngoài ra, liên quan đến hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, đại biểu đề nghị cần rà soát, chấn chỉnh hoạt động.

Trả lời mối quan tâm của đại biểu về vấn đề này, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Nhìn chung, tình hình tệ nạn ma túy và người nghiện ma túy gia tăng và có phần phức tạp trong thời gian gần đây làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, vấn đề này không phản ánh kết quả của công tác cai nghiện mà do nhiều nguyên nhân khác nhau như: Về khách quan: tình hình sản xuất, mua bán ma túy trên thế giới, khu vực và trong nước diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc (UNODC), chất ma túy phát hiện trong giai đoạn từ năm 2013 - 2016 bằng với số chất ma túy mới phát hiện (khoảng 70 chất). Ở nước ta, năm 2015 có 250 chất ma túy (Nghị định 126/2015/NĐ-CP), năm 2018 có 515 chất (Nghị định 73/2018/NĐ-CP). Số lượng ma túy các cơ quan chức năng thu giữ năm sau luôn cao hơn năm trước. Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2019 số lượng ma túy tổng hợp bắt giữ tăng 4,128 kg so với 6 tháng đầu năm 2018. 

Về chủ quan,công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ma túy, nghiện ma túy chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức của các tầng lớp nhân dân chưa đầy đủ. 

Về số liệu người cai nghiện, theo quan điểm của UNODC và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, nghiện ma túy là tổn thương của bộ não vĩnh viễn và mãn tính. Do vậy, hiện nay thế giới cũng như nước ta không có tiêu chí đánh giá việc tái nghiện. Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện 2 năm khoảng 80% và sau cai nghiện 5 năm khoảng 95%. 

Để giải quyết tình trạng trên và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, ngày 16/8/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy, trong đó tăng cường quản lý người sử dụng ma túy, người nghiện ma túy. Tại Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 05/6/2017 về tăng cường quản lý người sử dụng ma túy, nguy nghiện ma túy trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống và cai nghiện ma túy, trong đó bao gồm: hoàn thiện hệ thông cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống và cai nghiện ma túy theo hướng đảm bảo đồng bộ, thống nhất, tăng cường công tác phòng ngừa, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực hệ thống tổ chức thực hiện công tác phòng, chống và cai nghiện ma tủy; tăng cường công tác quản lý người nghiện ma túy tại các cơ sở cai nghiện. . . 

Với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực cai nghiện ma túy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu ý kiến của Đại biểu để phối hợp nghiên cứu, xây dựng chính sách đồng bộ, toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa nghiện và cai nghiện ma túy. 

Về vấn đề rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo như sau: Ngày 13/7/2018, Bộ đã có Công văn số 2821/LĐTBXH-BTXH đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo. Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành rà soát, kiểm tra và có giải pháp kiện toàn cơ sở tôn giáo chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi chưa đủ điều kiện, hướng dẫn thành lập theo quy định của pháp luật thực hiện thủ tục đăng ký thành lập cơ sở và cấp giấy phép hoạt động theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP ngày 12/9/2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trơ giúp xã hội (sau đây gọi tắt là Nghị định số 103/2017/NĐ-CP). Đến nay, đã có thêm 28 cơ sở được kiện toàn, đủ điều kiện, nâng tổng số cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được thành lập, hoạt động theo quy định là 141 cơ sở. Một số cơ sở đang được xây dựng, kiện toàn về cơ sở vật chất. (Trong đó, tại thành phố Đà Nẵng có 2 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo; 1 cơ sở là chùa Quang Châu, huyện Hòa Vang chưa đủ điều kiện thành lập và hoạt động theo quy định hiện đang nuôi dưỡng khoảng 70 trẻ em mồ côi, trẻ bỏ rơi, trẻ khó nuôi do các gia đình tự nguyện đưa vào). 

Về kinh phí hoạt động, các cơ sở được thành lập và hoạt động theo quy định có yêu cầu giải quyết chính sách trợ cấp xã hội thì được chính quyền địa phương giải quyết chính sách trợ cấp xã hội theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ. Nhiều cơ sở vận động kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em cao hơn mức trợ cấp từ ngân sách nhà nước (như tỉnh Thừa Thiên Huế có 5/6 cơ sở có định mức nuôi dưỡng hàng tháng tương đương hoặc cao hơn mức quy định chung của tinh như: Nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Đức Sơn, Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ cô nhi-khuyết tật Sơn Ca, Mái ấm hy vọng Nguyệt Biều, Nhà nuôi dưỡng trẻ em mồ côi Ưu Đàm; cơ sở bảo trợ xã hội Nước ngọt). Ngoài kinh phí hỗ trợ chăm sóc theo quy định của Nhà nước, nhiều cơ sở còn vận động sự tự nguyện của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp, hỗ trợ sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, vật dụng sinh hoạt, ăn, uống cho các em.

Nhìn chung, đa số các cơ sở chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội thuộc các tổ chức tôn giáo được thành lập, hoạt động theo quy định tại Nghị định số 103/2017/NĐ-CP, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị bỏ rơi, mồ côi, khuyết tật được chăm sóc kịp thời. Đội ngũ nhân viên, cộng tác viên trong các cơ sở trợ giúp xã hội của các tổ chức tôn giáo là các chức sắc, chức việc, nam nữ tu sĩ và tín đồ các tôn giáo tình nguyện tham gia nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng; cùng với đó là các nhân viên, cộng tác viên thực hiện công tác xã hội, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, trị liệu, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dạy nghề cho các đối tượng tại cơ sở với tinh thần, trách nhiệm cao, tâm huyết, nhiệt tình, hết lòng thương yêu, chăm sóc các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn và mong muốn các đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành./.

Hồ Hương

Các bài viết khác