GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH CHO THANH NIÊN THEO LĨNH VỰC CỤ THỂ

29/04/2020

Đảng ta luôn đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người; coi việc chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Xuất phát từ quan điểm đó, tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, cho ý kiến vào dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), ĐBQH đề nghị xây dựng chính sách cho thanh niên không tiếp cận theo đối tượng mà cần theo lĩnh vực hoạt động cụ thể.

 

Luật Thanh niên phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng đất nước

Đây là cơ sở sản xuất của anh Trần Quang Nam tại làng lụa Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chàng trai trẻ Trần Quang Nam đã quyết định ở lại địa phương làm việc, nối tiếp nghề truyền thống của gia đình, gìn giữ nghề quê hương. Bằng những ấp ủ và dự định của riêng mình với nghề truyền thống, năm 2013, anh Trần Quang Nam đã cùng gia đình thành lập Công ty TNHH Thương mại và Sản Xuất Đông Hương, đồng thời công ty ngày càng phát triển từ cơ sở làm nghề Đông Hương.

Anh Trần Quang Nam, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội bày tỏ: Mình đánh giá lại năng lực của cơ sở, tăng nguồn lực, tăng mục tiêu, phát triển đúng với tầm nguồn lực của chính mình. Tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như cải tiến dụng cụ lao động, tăng năng suất cũng như tăng thu nhập cho người lao động. Trao dồi về kỹ năng thương mại cũng như kỹ năng sản xuất, tăng thu nhập cho chính gia đình cũng như tạo công ăn việc làm cho các thanh niên tại địa phương, phát triển sản phẩm địa phương ra các tỉnh thành trong cả nước và thị trường quốc tế.

Gìn giữ thương hiệu làng nghề lụa Vạn Phúc - Hà Đông

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, máy móc thô sơ, thị trường tiêu thụ hạn hẹp, đến nay doanh nghiệp của gia đình anh đã xây dựng được kho và nhà xưởng với diện tích hơn trên 500 m vuông. Ban đầu nguồn thu chính của cơ sở chỉ là gia công sản xuất cho các doanh nghiệp khác, đến nay doanh nghiệp đã tự chủ về mẫu mã, sản xuất ra được nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao và tạo công ăn việc làm cho 35 lao động trẻ tại địa phương với thu nhập bình quân khoảng 6triệu đồng/tháng. Hiện anh và gia đình đã xây dựng được ba cửa hàng giới thiệu sản phẩm và nhiều đại lý phân phối với mức tiêu thụ trên 5000 sản phẩm mỗi năm. Sản phẩm của doanh nghiệp được đánh giá cao về mẫu mã cũng như chất lương và được xuất đi nhiều nước trên thế giới.

Thời gian qua, phong trào thanh niên lập nghiệp trên địa bàn quận Hà Đông nói riêng và thủ đô nói chung phát triển mạnh mẽ. Toàn quận hiện có khoảng 200 thanh niên lập nghiệp, trong đó có nhiều thanh niên đã và đang lập nghiệp, tiếp nối truyền thống gia đình và phát triển làng nghề truyền thống tại địa phương, tham gia các hoạt động cộng đồng xây dựng Làng nghề trở thành điểm đến thân thiện và văn minh.

Chị Bùi Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Quận Hà Đông cho biết: Với mong muốn thúc đẩy vai trò của thanh niên phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống, văn hóa làng nghề trên địa bàn quận Hà Đông, thời gian qua, các mô hình thanh niên làm kinh tế hiệu quả, mô hình thanh niên phát triển làng nghề, phát triển dịch vụ văn hoá trên các làng nghề được quan tâm, là một trong những điểm sáng của phong trào thanh niên làm kinh tế giỏi trên địa bàn quận Hà Đông.

Chị Nguyễn Hồng Anh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp, cho biết: Thực tế hiện nay nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên là rất lớn. Trong đó, vấn đề thanh niên quan tâm nhất hiện nay là mong muốn được hưởng những cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước, tiếp cận được các nguồn vốn vay. Tuy nhiên, thanh niên tiếp cận những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn cũng như nguồn lực xã hội để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp còn chưa nhiều.

Phong trào thanh niên lập nghiệp - xây dựng kinh tế  

Có thể thấy, trong thời gian qua, phong trào thanh niên, thanh niên lập nghiệp trên địa bàn thủ đô ngày càng khẳng định vai trò xung kích, tự thân của thế hệ trẻ trong xây dựng quê hương, tổ quốc. Tuy nhiên, để phong trào thực sự phát triển bền vững, lâu dài, rất cần những chính sách thúc đẩy theo lĩnh vực cụ thể được quy định trong Luật Thanh niên để thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp, đóng góp tích cực cho xã hội.

Sinh viên Nguyễn Công Đặng Linh, Trường Đại học Luật Hà Nội, bày tỏ: Theo chính sách, lĩnh vực, phát triển theo một cách đa dạng hơn thay vì chỉ một hướng duy nhất từ trước tới nay. Đối với những người trẻ tài năng hoặc những người có ý tưởng về starup khởi nghiệp thì việc có chính sách giúp đỡ họ về việc tài chính hay vốn để họ khởi nghiệp dễ dàng hơn thì đó là một điều rất là tốt.

Hội Nông dân Việt Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn cả nước có hơn 50% lao động nông thôn là thanh niên. Số doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp ở vùng nông thôn cũng chiếm con số rất lớn. Đây cũng được xem là lực lượng hùng hậu để triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp – nông thôn, nếu biết khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng vùng miền.

Ngoài việc tháo gỡ thủ tục hành chính không cần thiết để thanh niên đẩy mạnh đầu tư vào các mô hình kinh tế thì các cấp, ngành cũng nên tạo ra nhiều nguồn quỹ hỗ trợ và tạo khâu nối chuỗi liên kết từ áp dụng khoa học kỹ thuật cho đến đầu ra sản phẩm. Giải quyết vấn đề pháp lý, thủ tục hành chính, quy trình cho thanh niên tiếp cận cách thức sản xuất kinh doanh, dây chuyền sản xuất hiện đại. Bên cạnh đó cũng rất cần một cơ chế ưu đãi và thông thoáng hơn từ cả ngân hàng chính sách xã hội và ngân hàng thương mại. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thanh niên tiếp cận đa dạng các nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế.

Sinh viên Nguyễn Thị Phương Thảo, Trường Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ: Khi pháp luật tham gia điều chỉnh mối quan hệ xã hội, tức là mối quan hệ xã hội của thanh niên tích cực hơn thì lúc đó luật đó sẽ toàn diện hơn và việc đảm bảo nó cũng tốt hơn bởi vì nó rất chi tiết, rất cụ thể. Sau này, trong những bước như đảm bảo thực hiện hay hướng dẫn thực hiện vẫn có căn cứ pháp lý để hướng dẫn sẽ tốt hơn. Việc chia ra các lĩnh vực là phù hợp và rất cụ thể trong thời điểm hiện tại.        

Năm 2016 Chính phủ chọn là "Năm Quốc gia khởi nghiệp" nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đối với thanh niên. Và cũng năm 2016, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã chính thức triển khai chương trình "Thanh niên khởi nghiệp" giai đoạn 2016 - 2021 tập trung vào 3 nhóm đối tượng trọng tâm: Sinh viên, thanh niên nông thôn và doanh nhân trẻ. Tuy nhiên, việc triển khai các chương trình tư vấn, hỗ trợ chưa có sự thống nhất và thiếu chiều sâu; sự kết nối giữa thanh niên khởi nghiệp với các đơn vị tư vấn, nguồn vốn, công nghệ...còn hạn chế.

Anh Nguyễn Ngọc Lượng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Uỷ ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam cho biết: Cần phải quy đinh vấn đề khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên trong luật. Vấn đề thứ hai cần phải có những quy định cụ thể, luật thanh niên lần này theo hướng tiếp cận vừa là luật khung nhưng đồng thời cũng là luật chi tiết, bắt kịp với chủ trương của Đảng và Chính phủ. Ví dụ quan điểm về đầu tư và khởi nghiệp, vốn dành cho thanh niên khởi nghiệp, nguồn vay cho thanh niên khởi nghiệp như thế nào.  

Trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay, Đảng ta chủ trương tiếp tục xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước, tự cường dân tộc; kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đạo đức cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật, sống có văn hóa, vì cộng đồng; có năng lực, bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; có sức khỏe, tri thức, kỹ năng và tác phong công nghiệp trong lao động tập thể, trở thành công dân tốt của đất nước. Cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, vươn lên ngang tầm thời đại. Hình thành một lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; góp phần to lớn vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Muốn làm được như vậy, bản thân thanh niên phải nỗ lực học tập, rèn luyện phấn đấu không ngừng...

Luật thanh niên (sửa đổi) nên tiếp cận theo lĩnh vực hoạt động cụ thể

Luật Thanh niên có vị trí và vai trò quan trọng trong hệ thống quy định chính sách, pháp luật về thanh niên và công tác thanh niên. Luật Thanh niên (sửa đổi) sau khi hoàn chỉnh được kỳ vọng tạo cơ sở pháp lý cho việc chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và phát huy thanh niên; tác động tích cực đối với phong trào thanh niên cũng như tổ chức thanh niên; có những chính sách thúc đẩy phù hợp, cụ thể để thanh niên thực sự phát huy đầy đủ vai trò xung kích, thể hiện được quyền và nghĩa vụ đối với bản thân, gia đình và xã hội, nhất trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Vũ Trọng Kim, Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đại  biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, về vấn đề này. 

Đại biểu Vũ Trọng Kim, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên nhằm phát huy quyền và nghĩa vụ của thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước?

Ông Vũ Trọng Kim, Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Có thể nói trong vấn đề chính trị, điều kiện của thanh niên là tốt hơn, nhờ sinh hoạt tự do, nhờ trao đổi đối thoại một cách rộng rãi, tiếp cận với những phương tiện, thông tin một cách đầy đủ, với sư góp mặt của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, của tổ chức sinh viên cũng như tổ chức Hôi liên hiệp thanh niên Việt Nam, ưu điểm của thanh niên phải được thể chế hoá, để pháp luật hoá những vấn đề của thanh niên trên lĩnh vực việc làm, lao động. Trên các lĩnh vực khác cũng thế, thanh niên phát huy vai trò trên từng lĩnh vực kể cả lĩnh vực quốc phòng an ninh. Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thể chế cho hoạt động thường xuyên bằng Điều lệ của các tổ chức. Chính vì thế, những sinh hoạt tự do, những ý kiến được nêu ra và sự thảo luận đó trở nên rộng rãi trong thời gian vừa qua.

Có thể nói, qua hoạt động thanh niên, qua hoạt động cuộc sống lao động và tìm kiếm việc làm, thanh niên đã nhận thấy rằng vai trò của mình càng ngày càng phải thể hiện rõ. Chính nhờ va chạm trong cuộc sống đó mà thanh niên đề xuất nhiều vấn đề tham gia chính sách. Đảng và Nhà nước đã tạo một điều kiện thuận lợi cho việc thanh niên gia nhập vào lực lượng vũ trang. Đây là trường học lớn của thanh niên trong quá trình rèn luyện và nguyện vọng bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Phóng viên: Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) quy định quyền và nghĩa vụ cũng như chính sách cơ bản có tác động nhiều đến phát triển thanh niên, cụ thể đai biểu đề nghị xây dựng chính sách cho thanh niên cần theo lĩnh vực cụ thể. Ý kiến của Đại biểu về nội dung này ?

Ông Vũ Trọng Kim, Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Tất cả mọi đối tượng thanh niên sẽ hướng về lĩnh vực nên tôi chia ra làm bốn lĩnh vực:

Thứ nhất là thanh niên học tập, nghiên cứu và phát triển tài năng trẻ, tức là phải bồi dưỡng thanh niên vừa hồng vừa chuyên, thanh niên học tập rèn luyện một cách toàn diện, đức, trí, thể, mỹ. Nói điều này, có nghĩa là học gắn với hành, để phát triển con người toàn diện, đúng theo Di chúc của Bác Hồ dạy thanh niên. Đây là việc rất quan trọng.

Thứ hai là lao động, lao động là sáng tạo; lĩnh vực thanh niên là lao động sáng tạo liên quan tới ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ phát triển tài năng trẻ. Từng lĩnh vực có thể như thế.

Thứ ba là thanh niên với nhiệm vụ quốc phòng  an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Thứ tư, thanh niên xây dựng nếp sống lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Nếp sống trong thanh niên rất quan trọng. Nó liên quan tới tất cả vấn đề văn hoá, những vấn đề thuộc đời sông tinh thần của con người được thể hiện. Bốn lĩnh vực đó tương ứng với 04 loại chính sách. Và bất cứ đối tượng nào đều hướng vào những chính sách thuộc lĩnh vực đó, gọi là chương trình thanh niên.

Phóng viên: Đối với các chính sách về tín dụng, học bổng cho thanh niên, chính sách xã hội hoá, khuyến khích lao động cũng như trong hoạt động khoa học, an ninh, quân sự dành cho thanh niên, theo Đại biểu phải làm sao vừa không trùng lặp chính sách vừa phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng đất nước?

Ông Vũ Trọng Kim, Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Trước hết phải nói đến các quyền và nghĩa vụ dành cho thanh niên, hầu hết trùng với Hiến pháp, với luật chuyên ngành và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Cho nên theo tôi, không thống nhất việc ghi những quyền như thế hay nghĩa vụ như thế. Mà nên chia ra thành những lĩnh vực mà thanh niên sẽ có những tính đặc thù để có thể phát huy trong các lĩnh vực đó. Ví dụ bốn lĩnh vực tôi nói vừa rồi là chương trình cụ thể. Bám theo chương trình đó sẽ có chính sách thì không bao giờ trùng lặp với những văn bản đã quy định trước. Lĩnh vực đó là đặc thù, chỉ có thanh niên mới vào lĩnh vực đó một cách đông đảo nhất, mạnh mẽ nhất va cống hiến hết sức mình vào lĩnh vực đó. Lần này vô hình chung ở đây bị hạn chế so với Hiến pháp. Hiến pháp nói rằng mọi công dân có quyền giám sát và phản biện trên tất cả các lĩnh vực và ở những điều kiện khác nhau đều có thể tham gia được. Giám sát phản biện trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên.

Cho nên, tôi đề nghị tiếp cận vào lĩnh vực chứ không nên tiếp cận vào đối tượng thanh niên.

Phóng viên: Với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi) lần này, đại biểu có kiến nghị đề xuất gì trong việc thực hiện chính sách đối với thanh niên, để thanh niên thực sự làm chủ, chủ động, sẵn sàng thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với tổ quốc?

Ông Vũ Trọng Kim, Nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: Đã có những chính sách rồi, đã có chất xúc tác rồi, làm cho nó mạnh lên, ví dụ như làm quy chế mới về chính sách tín dụng sinh viên, nhà nước chia sẻ một phần về những lãi xuất ngân hàng, chính sách đã có cải tạo nâng cấp lên; chính sách học bổng cho sinh viên, chọn những người giỏi phát triển tài năng, có quy chế xem xét đối tượng, thi thố tài năng và gia nhập, khuyến khích tài năng mới của đất nước. Hoặc lao động gắn liền với sáng tạo, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. đó chính là đặc thù của tuổi trẻ. Ra Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ, cho khởi nghiệp sáng tạo, thậm chí là đầu tư mạo hiểm, trong đó có một phần rủi ro nhà nước có thể chia sẻ cho những ý tưởng mới của người lao động, của trí thức trẻ. Xã hội sẽ giống như muôn hoa đua nở.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

"Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta/ Mà hãy hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay". Phẩm chất đó, tinh thần đó trong thanh niên ngày càng thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về công tác thanh niên trong thời kỳ mới đã tạo thành dấu mốc quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế đối với đoàn viên thanh niên. Những năm gần đây, phong trào làm kinh tế, khởi sự doanh nghiệp, phát triển sản xuất trong lực lượng đoàn viên, thanh niên thực sự lan tỏa mạnh mẽ khắp cả nước. Mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng thực tế có rất nhiều thanh niên đã khởi nghiệp thành công. Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, việc đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, xây dựng chính sách cho thanh niên theo lĩnh vực cụ thể trong Luật thanh niên (sửa đổi) nhằm hướng tới xây dựng nhân cách chọn người hoàn chỉnh, phát huy nhân tố và nguồn lực con người./.

Kim Yến

Các bài viết khác