ĐBQH DƯƠNG XUÂN HÒA CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT VỀ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN TRONG TIÊU THỤ NÔNG SẢN

29/04/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, ĐBQH Dương Xuân Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) đề nghị Bộ trưởng sớm có giải pháp tháo gỡ việc khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; đồng thời mở rộng được khung quy định xuất khẩu hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác.

 

Theo phản ánh của ĐBQH Dương Xuân Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn), hiện nay, phía nước bạn Trung Quốc chỉ cho phép 09 mặt hàng quả tươi của nước ta được nhập vào Trung Quốc qua các cửa khẩu đường bộ. Điều này gây khó khăn cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân so với trước đây, ảnh hưởng đến sản xuất. ĐBQH Dương Xuân Hòa đề nghị Bộ trưởng sớm có giải pháp và động thái tháo gỡ việc khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc; đồng thời mở rộng được khung quy định xuất khẩu hàng hóa nông sản sang thị trường Trung Quốc và các thị trường khác?

ĐBQH Dương Xuân Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn)

Trả lời chất vấn ĐBQH Dương Xuân Hòa, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, trước thực trạng khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản nói chung và mặt hàng quả tươi nói riêng sang thị trường Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và PTNT xác định phải luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và nông dân để vượt qua các rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn, kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường Trung Quốc.

Các giải pháp đã được đưa ra và thực hiện cụ thể như: Tiếp tục thực hiện đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói theo các yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc: kể từ khi ban hành công văn số 3906/BNNPTNT-BVTV ngày 23/1/2018 về việc cấp thông tin vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã cấp 1.383 mã số vùng trồng cho 148.243,72 ha và 1.490 mã số cơ sở đóng gói đối với 09 loại quả tươi được phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là một sự cố gắng lớn trong phối hợp thực hiện giữa Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), các Sở NN&PTNT và các doanh nghiệp xuất khẩu để đảm bảo cho việc xuất khẩu quả tươi được thông suốt.

Đẩy nhanh đàm phán với Trung Quốc để tiếp tục mở rộng thị trường: Bộ NN&PTNT đã liên tục tổ chức các cuộc đàm phán tại Trung Quốc và Việt Nam. Kết quả đã ký kết được Nghị định thư về Kiểm dịch thực vật đối với măng cụt Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, đã thống nhất được thỏa thuận kỹ thuật về cây thạch đen. Đối với sầu riêng, trong khuôn khổ hội nghị kỹ thuật lần 3 về kiểm dịch thực vật giữa 2 nước, đã có những thảo luận liên quan đến các vấn đề sâu bệnh trên sầu riêng mà Trung Quốc quan tâm, đồng thời đoàn Trung Quốc đã thăm vườn trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng tại Tiền Giang, Bến Tre; phía Trung Quốc dự kiến sẽ cử cán bộ kỹ thuật sang Việt Nam để kiểm tra các vườn trồng và cơ sở đóng gói khoai lang tím vào cuối tháng 11 hoặc tháng 12/2019. Sau khi kiểm tra, 2 bên sẽ cùng nhau hoàn thành các yêu cầu về kiểm dịch thực vật để xuất khẩu khoai lang Việt Nam sang Trung Quốc.

Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn các ĐBQH

Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã gửi hồ sơ kỹ thuật của các loại quả như chanh leo, bưởi, bơ, dừa, na, roi và thường xuyên kết nối thông tin với Vụ Kiểm dịch động thực vật Trung Quốc để thúc đẩy nhanh quá trình mở cửa thị trường cho các loại quả nói trên. Tuy nhiên, theo thông lệ, quá trình đàm phán, mở cửa thị trường mất nhiều thời gian, đặc biệt là việc phân tích nguy cơ dịch hại.

Trong bối cảnh Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP, EVFTA và các hiệp định song phương, các yêu cầu về kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) nông sản của các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe và ở mức cao. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã, đang và tiếp tục đẩy mạnh thông tin cho các doanh nghiệp, người dân về các yêu cầu về SPS, các tiêu chuẩn, kỹ thuật của từng loại hàng hóa của từng thị trường nhập khẩu; nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất và doanh nghiệp thực hiện các chuỗi giá trị liên kết nông sản xuất khẩu. Đồng thời, trong thời gian tới, Bộ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường quản lý, giám sát chất lượng nông sản theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác