ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ VỀ ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH CÔNG

29/04/2020

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội) cho rằng: Thực tiễn quản lý Nhà nước chúng ta chưa thực sự ứng dụng khoa học quản lý, khoa học hành chính công để quản lý, điều hành, nên việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đến giờ vẫn chưa thực sự tinh gọn, khoa học và hợp lý, chưa rõ cơ chế Dịch vụ công, Hành chính công.

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, chủ trương của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều xác định “Khoa học và Công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước”. Nhưng thực tiễn quản lý Nhà nước chúng ta chưa thực sự ứng dụng khoa học quản lý, khoa học hành chính công để quản lý, điều hành, nên việc sắp xếp, tổ chức bộ máy đến giờ vẫn chưa thực sự tinh gọn, khoa học và hợp lý, chưa rõ cơ chế Dịch vụ công, Hành chính công; lãnh đạo các cấp, các ngành còn nhiều lúng túng, cải cách hành chính chưa thực chất. Trong khi đó, Học viện Hành chính Quốc gia từ lâu nghiên cứu, và đào tạo hàng vạn sinh viên, học viên về hành chính công, dịch vụ công nhưng về quản lý điều hành ở các cấp, các ngành lại không ứng dụng kiến thức khoa học về quản lý.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh chất vấn: "Bộ trưởng có biết những bất cập này không? Vì sao Bộ trưởng không dựa vào khoa học quản lý để tham mưu, đề xuất cho công tác quản lý nhà nước? Nếu nội dung khoa học quản lý đang được giảng dạy, đào tạo không ứng dụng được trong thực tiễn, vì sao Bộ trưởng không quyết định loại bỏ đi?”.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội)

Trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:

Về ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành, ngày 01 tháng 10 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 138/2016/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ (thay thế Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ). Quy chế đã quy định, có nhiều đổi mới về nguyên tắc làm việc; chế độ trách nhiệm; quan hệ công tác; cách thức, quy trình giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tính khoa học, dân chủ, hiệu lực, hiệu quả.

Ngày 14 tháng 10 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đến ngày 07 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025. Như vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn cố gắng, nỗ lực, kịp thời ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ vào công tác quản lý, điều hành.

Bên cạnh đó, triển khai các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đang phối hợp với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Đây là những việc làm lớn, cấp thiết, rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cơ chế vận hành, hoạt động của Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Về sắp xếp, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, trong những năm qua, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công.

Tính đến nay, Chính phủ đã ban hành 22/22 Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ. Theo đó, cơ cấu tổ chức bên trong của bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, giảm tối đa số lượng phòng trong cục, vụ; cơ bản không chuyển vụ thành cục; giảm số lượng lãnh đạo cấp phó gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giải thể hoặc sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức hoạt động không hiệu quả, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý và tính chất hoạt động; khắc phục sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo hướng một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc, nhưng một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính.

Các cơ quan chuyên môn ở cấp tỉnh, cấp huyện được sắp xếp, kiện toàn đồng bộ, thống nhất theo các quy định của các Nghị định, Thông tư, Thông tư liên tịch, bảo đảm việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực được thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; phân định rõ hơn chức năng và mô hình tổ chức của chính quyền đô thị với chính quyền ở nông thôn, biển và hải đảo.

Công tác cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công cũng đạt được nhiều kết quả. Theo báo cáo chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2018 (SIPAS 2018) (ban hành kèm theo Quyết định số 320/QĐ-BNV ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính của cả nước năm 2018 là 82,99%, tăng khoảng 2% so với năm 2017. Các chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức và kết quả dịch vụ năm 2018 cũng tăng ở mức 2 – 3% so với năm 2017. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong đẩy mạnh cải cách hành chính năm 2018 đã mang lại kết quả tích cực, chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công và sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung đã có nhiều cải thiện,

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, với các kết quả nêu trên, có thể khẳng định, thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực trong việc sắp xếp tổ chức, kiện toàn tổ chức hành chính nhà nước và cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức theo các chủ trương, định hướng của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và đạt được những kết quả quan trọng bước đầu.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận thấy rằng, các kết quả đạt được vẫn còn khiêm tốn, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước trong tình hình mới và mong đợi của người dân, xã hội. Mặt khác, Chính phủ cũng xác định, sắp xếp, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách hành chính, cung ứng dịch vụ công là vấn đề khó khăn, phức tạp nên phải có bước đi phù hợp, thận trọng. Chính phủ mong các đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, góp ý cho các cấp, các ngành để thực hiện tốt các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tích cực nghiên cứu, đổi mới, tăng cường ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ, trong đó có các kiến thức về khoa học quản lý để tham mưu cho Đảng, Nhà nước thực hiện các cải cách thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác