ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH CHẤT VẤN BỘ Y TẾ VỀ QUY ĐỊNH RÕ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA PHÒNG KHÁM ĐA KHOA KHU VỰC

29/04/2020

Bộ Y tế nhận được chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế với kiến nghị Ban hành văn bản quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Phòng khám đa khoa khu vực và có sự thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Trong chất vấn số 177/GS-PCCV ngày 21/10/2019 của Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh gửi tới Bộ Y tế nêu rõ: Công văn số 618/BYT-KCB hướng dẫn khám, chữa bệnh tại các Phòng khám Đa khoa khu vực. Tuy nhiên, tại Công văn số 2911/BHXH-CSYT ngày 08/8/2018 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về việc thanh toán tiền giường điều trị nội trú tại Phòng khám đa khoa khu vực nêu: “Đề nghị Bảo hiểm Xã hội tỉnh tạm thời chưa thực hiện thanh toán chi phí điều trị tại các Phòng khám đa khoa khu vực được Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế huyện (hoặc Bệnh viện) ban hành quyết định chuyển đổi thành đơn nguyên điều trị”.

Từ năm 2017 đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chưa thống nhất thanh toán chi phi điều trị nội trú tại Phòng khám đa khoa khu vực. Vì vậy, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh kiến nghị Ban hành văn bản quy định rõ: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Phòng khám Đa khoa Khu vực và có sự thống nhất với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam”.


Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh, Bộ Y tế khẳng định: Phòng khám đa khoa khu vực là đơn vị y tế thuộc Trung tâm Y tế huyện theo quy định tại điểm g, Khoản 4, Điều 3 của Thông tư liên tịch 51/2015/TTLT-BYT-BNV ngày 11/12/2015 giữa Bộ Y tế, Bộ Nội vụ Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Y tế thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Phòng Y tế thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 37/2016/TT-BYT ngày 25/10/2016 của Bộ Y tế Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhiệm vụ của Phòng khám đa khoa khu vực là thực hiện các nhiệm vụ do Giám đốc Sở Y tế quy định theo thẩm quyền trên cơ sở nhu cầu thực tế tại địa phương (theo quy định tại Khoản 2, Điều 8 Thông tư số 37/2016/TTBYT). Nhiệm vụ này phải nằm trong phạm vi chức năng của Trung tâm Y tế huyện là cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật (được quy định tại Điều 3, Thông tư số 37/2016/TT-BYT).

Về hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực và thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo hướng dẫn tại công văn số 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018 của Bộ Y tế về việc khám, chữa bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực thì các Phòng khám đa khoa khu vực có thể được điều trị nội trú nếu đã được bố trí theo một trong các phương án như sau:

+ Phòng khám đa khoa khu vực đã đáp ứng điều kiện của Bệnh viện Đa khoa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà phù hợp với quy hoạch mạng lưới khám, chữa bệnh của địa phương thì tiến hành thủ tục thẩm định và cấp giấy phép hoạt động bệnh viện theo Điều 23 của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh và thời hạn chuyển đổi đến hết ngày 30/6/2018.

+ Phòng khám đa khoa khu vực vẫn cần phải tồn tại để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân trong vùng thì Sở Y tế các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ/ngành phối hợp với các cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền đầu tư, nâng cấp và thẩm định phê duyệt chuyển đổi thành đơn nguyên điều trị nội trú của Bệnh viện Đa khoa khu vực của tỉnh, Bệnh viện huyện, Trung tâm y tế huyện và thời hạn chuyển đổi đến hết ngày 30/6/2018.

Khi ban hành công văn số 618/BYT-KCB ngày 25/01/2018 của Bộ Y tế về việc khám, chữa bệnh tại Phòng khám đa khoa khu vực, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp với các bên liên quan (Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại diện một số phòng khám đa khoa khu vực các tỉnh...) cùng thảo luận, phân tích các số liệu bảo hiểm y tế tại các Phòng khám đa khoa khu vực trên toàn quốc để đi đến thống nhất các nội dung hướng dẫn tại Công văn số 618/BYT-KCB.

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai công văn này tại một số địa phương đang gặp một số vướng mắc, khó khan. Vì vậy, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ký ban hành Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, trong đó tại Khoản 12, Điều 11, Nghị định 155/2018/NĐ-CP đã có sửa đổi một số điều của Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có quy định “Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú chỉ áp dụng đối với các Phòng khám đa khoa khu vực có điều trị nội trú đã được thành lập và hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực, tại các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Sở Y tế cho phép bằng văn bản”.

Trên cơ sở của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 12/11/2018, để tạo điều kiện thanh toán bảo hiểm y tế nội trú của Phòng khám đa khoa khu vực, ngày 30/11/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2016/TT-BYT quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp, trong đó có hướng dẫn các nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ đối với các cơ sở y tế có ký hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế./.

Bích Lan

Các bài viết khác