ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ THÔNG TƯ QUY ĐỊNH XUẤT XỨ VÀ NHÃN HÀNG HÓA SẢN XUẤT TẠI VIỆT NAM

11/05/2020

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về văn bản quy phạm pháp luật quy định xuất xứ và quy định nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương với nội dung như sau: Vấn đề xuất xứ và quy định nhãn hàng hóa sản xuất tại Việt Nam cần phải có văn bản quy phạm pháp luật quy định. Đã có nhiều đại biểu chất vấn vấn đề này, nhưng vừa rồi Bộ trưởng chỉ mô tả quy trình để ra Thông tư với những khó khăn, phức tạp và vẫn chưa ra được Thông tư. Đại biểu cho rằng Thông tư là quyền của Bộ trưởng, xong hay không là phụ thuộc vào thái độ và sự quyết tâm của Bộ trưởng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời khi nào thì có Thông tư này?

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí phản ánh, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ đang tràn lan khá phổ biến. Ai cũng thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gay gắt. Vấn đề xuất xứ hàng hóa càng trở nên gay cấn và phức tạp. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng tập trung cao độ ra Thông tư quy định xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa càng sớm càng tốt.

Đối với chất vấn của Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết:

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 4324/VPCP KTTH ngày 21 tháng 5 năm 2019, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo văn bản pháp luật quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam dưới hình thức Thông tư và công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ từ ngày 01 tháng 8 năm 2019 để lấy ý kiến các cơ quan hữu quan, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Ngày 05 tháng 8 năm 2019, Bộ Công Thương có công văn số 5632/BCT-XNK gửi các cơ quan, Bộ ban ngành, Sở Công Thương các tỉnh đề nghị tham gia ý kiến đối với dự thảo lần 1 của Thông tư. Ngày 25 và 27 tháng 9 năm 2019, Bộ Công Thương tổ chức 2 hội thảo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của hơn 400 đại diện từ các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo này.

Trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ Công Thương nhận thấy văn bản này có nhiều nội dung phức tạp, liên quan đến chức năng nhiệm vụ quản lý của nhiều Bộ, cơ quan chuyên ngành cũng như điều chỉnh phạm vi hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh sau này. Vì vậy, Bộ Công Thương nhận thấy cần xin ý kiến đóng góp đối với dự thảo ở phạm vi rộng và sâu, nghiên cứu hoàn thiện dự thảo để đảm bảo chất lượng của văn bản được ban hành sau này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Sau khi dự thảo lần 1 của Thông tư được đăng tải và xin ý kiến, dự thảo Thông tư nhận được rất nhiều quan tâm và ý kiến đóng góp đối với nhiều nội dung, cụ thể như: hình thức và bố cục của văn bản, phạm vi áp dụng của Thông tư, quan hệ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tên gọi của Thông tư, cách thể hiện và trách nhiệm thể hiện sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam, hình thức của danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR), quy định đối với hàng hóa gia công đơn giản, cơ quan xác định, phân xử...

Trong các ý kiến đóng góp, đặc biệt có ý kiến liên quan đến hình thức văn bản cho rằng văn bản cần ban hành dưới hình thức Nghị định của Chính phủ do có quy định về yêu cầu, tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được xác định là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Bộ Công Thương nhận thấy một số ý kiến có phần hợp lý, cần được xem xét và cân nhắc kỹ.

Thứ nhất, theo các ý kiến đóng góp, dự thảo văn bản chứa đựng những quy định về cách xác định thế nào là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hay sản xuất tại Việt Nam, nghĩa là quy định về điều kiện. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Luật Đầu tư năm 2014, văn bản chứa quy định về điều kiện không được phép ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ trưởng. Hơn nữa, văn bản này có phạm vi điều chỉnh và đưa ra các quy định độc lập so với các văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa và nhãn hàng hóa hiện hành. Nếu văn bản ban hành dưới hình thức Thông tư có thể gây hiểu nhầm đây là văn bản hướng dẫn của các Nghị định quy định về xuất xứ hàng hóa (Nghị định số 31/2018/NĐ-CP) hay nhãn hàng hóa (Nghị định số 43/2017/NĐ-CP).

Thứ hai, dự thảo Thông tư hiện đang đề cập đến những nội dung chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp cao hơn và liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều Bộ ngành khác nhau, do vậy việc ban hành văn bản ở dạng Thông tư có thể sẽ gặp những bất cập, khó triển khai trong thực tế.

Thứ ba, văn bản ban hành nhằm mục đích tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ là hành lang pháp lý về xuất xứ hàng hóa, là căn cứ để xác định hàng hóa có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của Việt Nam nhằm hưởng ưu đãi thuế quan hoặc phục vụ nhu cầu quản lý nhà nước tại thị trường mà Việt Nam có cam kết quốc tế hoặc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.

Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ tạo hành lang pháp lý về việc ghi nhãn cho hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện nay, quy định hiện hành chưa có bộ tiêu chí để sản phẩm, hàng hóa được công nhân là sản xuất tại Việt Nam. Nếu văn bản này được ban hành dưới hình thức Thông tư của Bộ Công Thương sẽ khó tạo hành lang pháp lý vững chắc để phòng chông gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa do không đủ cơ sở điều chỉnh phạm vi thực hiện của các cơ quan, Bộ ngành liên quan.

Thứ tư, ngày 04 tháng 7 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 824/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" nhằm ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trong thương mại quốc tế cũng như bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính. Theo đó, cần nâng cao khả năng phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong việc ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa. Do vậy, văn bản ban hành ở cấp Thông tư không đủ cơ sở pháp lý cho việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để thực hiện Đề án theo Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, Bộ Công Thương đã có Báo cáo số 143/BC BCT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình xây dựng văn bản quy định cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành văn bản này ở cấp Nghị định để có thể tạo được hành lang pháp lý vững chắc, đảm bảo sự phối hợp giữa các Bộ ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong thời gian chờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo lần 2 của văn bản này. Trường hợp Thủ tướng Chính phủ không chấp thuận nâng lên cấp Nghị định, Bộ Công Thương sẽ ban hành Thông tư trong quý I năm 2020.

Bích Lan

Các bài viết khác