ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH TRỒNG, CHẾ BIẾN SEN, PHÁT TRIỂN NGHỀ DỆT VẢI TỪ TƠ SEN Ở VIỆT NAM

14/05/2020

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh- Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về chính sách khuyến khích trồng, chế biến sen, phát triển nghề dệt vải từ tơ sen ở Việt Nam.

 

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chất vấn một số nội dung

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh chỉ ra rằng, từ xưa đến nay, cây sen đã được nhiều người nông dân trồng, chế biến và sử dụng ở tất cả các bộ phận của cây sen để làm thức ăn, đồ uống, dược liệu, các sản phẩm văn hóa và từ năm 2017 đến nay, có thêm một nghề mới là nghề dệt vải từ tơ sen. Đặc biệt, việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen góp phần bảo vệ môi trường, không bị “được mùa mất giá” và tận dụng các vùng đất trũng, ngập nước, không canh tác được. Tuy nhiên, việc trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm từ sen vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Bộ trưởng cho biết cần phải làm gì trong Chương trình xây dựng nông thôn mới để thúc đẩy việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen? Cần có chế độ, chính sách gì để khuyến khích các hộ trồng, chế biến sen, phát triển nghề dệt vải từ tơ sen ở Việt Nam trong thời gian tới? 

Trả lời vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, vài năm gầy đây, vải được dệt từ tơ sen đã được quan tâm, phát triển tại một số nước và đã có chỗ đứng trên thị trường thời trang cao cấp thế giới. Đây là một trong những tiến bộ mới để phát triển ngành nghề dệt vải, cũng như sản xuất những sản phẩm mới, thân thiện môi trường. Sản phẩm được dệt từ sợi của thân cây sen được sản xuất thủ công, sản lượng ít, đặc biệt do gắn với tín ngưỡng Phật giáo nên thường có giá trị kinh tế cao. 

Việc trồng, chế biến sản phẩm từ sen còn góp phần bảo vệ môi trường, tận dụng được những vùng đất trũng, ngập nước không canh tác được. Đồng thời, người dân và các địa phương có thể kết hợp với việc tổ chức các loại hình tham quan, du lịch sinh thái sẽ làm tăng giá trị kinh tế sản phẩm và cải thiện đời sống. 

Theo Bộ trưởng, ở Việt Nam, một số địa phương rất thích thợp để trồng sen, như: ở Đồng bằng Bắc Bộ (Hà Nam, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Bình,...) hay ở Đồng bằng sông Cửu long (Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Trà Vinh...). Gần đây, thành phố Hà Nội, đã dùng tơ của cây sen cộng với bàn tay khéo léo của phụ nữ Việt Nam để ra tạo ra được những sản phẩm lụa thiên nhiên | 100% rất quý, có giá trị cao, thân thiện môi trường. 

Để khuyến khích mô hình này phát triển, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương để nghiên cứu và đưa những sản phẩm này vào danh mục sản phẩm OCOP trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và phát triển theo hướng tập trung hình thành vùng chuyên trồng cây sen, kết hợp với du lịch, kết hợp với ngành nghề dịch vụ tại những vùng trũng, vùng ngập nước. Trước mắt, sẽ phối hợp với thành phố Hà Nội tập trung phát triển mô hình tại huyện Mỹ Đức, sau này mở rộng ra một số huyện phía Nam của thành phố Hà Nội và tiếp đến là tại các địa phương có điều kiện thổ những phù hợp để phát triển trồng sen./. 

Hồ Hương

Các bài viết khác