ĐBQH NGUYỄN TẠO CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ, XỬ LÝ CHO VAY THÔNG QUA THIẾT BỊ ĐIỆN TỬ THÔNG MINH

14/05/2020

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng về quản lý, xử lý cho vay online thông qua thiết bị điện tử thông minh.

Trong phần chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo nêu rõ: Cử tri phản ánh trong thời gian gần đây, việc phát triển một số hệ thống ứng dụng cho vay online trên các thiết bị điện tử thông minh thực chất là "tín dụng đen" biến tướng. Các tổ chức này lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhu cầu cần vay tiền nhanh chóng của một số người dân để hoạt động. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tiến hành kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực này.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” diễn ra phức tạp. Đặc biệt hoạt động biển tướng của “tín dụng đen” qua mạng Internet, các đối tượng triệt để lợi dụng các trang mạng, các ứng dụng điện thoại để nhắn tin quảng cáo tiếp thị với những thông tin không đầy đủ, che đậy mức lãi suất và các hình thức đòi nợ, siết nợ của các đối tượng cho vay. Khi quảng cáo, các đối tượng đưa ra thông tin cho vay với lãi suất thấp, nhưng thực tế lại thu nhiều tiền phí, lệ phí vô lý khác của người đi vay. Thông qua nền tảng công nghệ các đối tượng có thể tiếp cận tới hàng ngàn người sử dụng Internet, điện thoại di động để quảng cáo cho vay, thu thập các thông tin cá nhân như tài khoản mạng xã hội, ảnh giấy tờ tùy thân, số điện thoại cá nhân và của người thân, thậm chí xâm nhập, sử dụng thông tin cá nhân, bạn bè của người đi vay trên các tài khoản Internet, mạng xã hội làm công cụ để khống chế, đe dọa, bêu xấu con nợ nếu như không trả nợ đúng hẹn. Điển hình như hoạt động của các công ty cho vay ngân hàng (P2P Lending) được đánh giá là phát triển rất nhanh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho nền kinh tế, gây thiệt hại cho người dân.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Để xử lý các tổ chức, cá nhân hoạt động biến tướng của “tín dụng đen” qua mạng Internet, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, chỉ đạo Bộ Công an mở đợt cao điểm đấu tranh tấn công, trấn áp mạnh tội phạm trong toàn quốc liên quan đến "tín dụng đen", đến nay đã đạt được những kết quả tích cực, các hoạt động “tín dụng đen” dưới vỏ bọc cơ sở cầm đồ, công ty tài chính, cơ sở cho thuê xe tự lái, vay online, vay trực tuyến ... bước đầu đã giảm về tính chất, mức độ.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện một số công tác trọng tâm sau:

- Triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự (các quy định của Bộ luật Dân sự về Hợp đồng vay tài sản; Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng đã áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm; Nghị định số 19/2014/NĐ-CP ngày 19/02/2013 của Chính phủ về họ, hụi biêu, phường và các văn bản hướng dẫn liên quan). Tuyên truyền, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay lãi nặng, lừa đảo thông qua huy động vốn tự nhất với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của tín dụng đen” và các vụ việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, họ, biêu, phường thời gian qua để người dân nâng cao ý thức cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen”, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.

- Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu ban hành theo thẩm quyền hoặc tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có các chính sách mở rộng đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, phát triển các Công ty tài chính, tổ chức tài chính vi mô phủ khắp các vùng miền với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống tiêu dùng của nhân dân để góp phần ngăn chặn "tín dụng đen".

- Chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn quốc và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen”, gần với đấu tranh, triệt xóa các đường dây đánh bạc, tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức huy động vốn, tham gia hụi, họ, biêu phường, triệt phá các băng nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp để hoạt động.

- Rà soát, nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy định của pháp luật, quy định, hướng dẫn của bộ, ngành, địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đặc biệt các quy định có liên quan đến vay tiền, cầm cố tài sản trên không gian mạng để hạn chế các nguy cơ rủi ro. Đồng thời, tiếp tục xây dựng các văn bản triển khai thực hiện có hiệu quả Luật An ninh mạng, góp phần phòng ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm; kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất trong xét xử Điều 201 Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm thống nhất quan điểm xử lý đối với tội phạm này./.

Bích Lan

Các bài viết khác