ĐBQH NGUYỄN LÂN HIẾU CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

15/05/2020

Thủ tướng Chính phủ đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, về vướng mắc trong việc triển khai Chính phủ điện tử.

Chất vấn Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang nêu vấn đề: Quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử đã được Thủ tướng khẳng định. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn chuyển biến rất chậm do quá nhiều Bộ, ban, ngành tham gia chồng chéo, không có lộ trình rõ ràng, cụ thể. Đơn cử hàng nghìn trẻ mồ côi trên cả nước không có sổ hộ khẩu và chứng minh thư. Với những bất cập trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu mong muốn Thủ tướng cho biết những vướng mắc hiện nay và cơ quan nào đang chịu trách nhiệm chính trong triển khai nhiệm vụ rất quan trọng này.


Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang.

Trả lời chất vấn của Đại biểu biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Trong những năm qua, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và phục vụ người dân, doanh nghiệp, bước đầu đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:

Theo Báo cáo đánh giá về Chính phủ điện tử (CPĐT) của Liên Hợp Quốc, năm 2018, Chỉ số phát triển CPĐT (EGDI) của Việt Nam xếp hạng thứ 86/193 quốc gia, tăng 01 bậc so với năm 2016 (trong đó chỉ số thành phần về dịch vụ công trực tuyến (OSI) tăng 15 bậc, lên thứ hạng 59/193 quốc gia, nguồn nhân lực tăng 07 bậc, lên thứ hạng 120/193 (so với năm 2016).

Trình Quốc hội ban hành Luật, ban hành Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin, an toàn thông tin, viễn thông, tần số vô tuyến điện, internet. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) gắn kết với công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, giảm thời gian, chi phí thủ tục hành chính, tăng cường tỉnh công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan nhà nước

Xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) tạo nền tảng phát triển CPĐT: bắt đầu xây dựng các CSDL quốc gia về đất đai, CSDL quốc gia về dân cư, CSLD quốc gia về bảo hiểm; hoàn thành và bắt đầu đi vào sử dụng CSDL quốc gia về hộ tịch điện tử, CSDL quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.

Xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn, an ninh mạng: đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) với chức năng là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước".

Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định: Bên cạnh thành quả đã đạt được, việc xây dựng CPĐT tại Việt Nam còn có những khó khăn, vướng mắc, hạn chế, thể hiện ở những điểm sau: Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng CPĐT, xây dựng chính quyền điện tử tại các cơ quan nhà nước chưa đồng bộ, có nơi còn hình thức, chưa phát triển theo chiều sâu. Việc giải quyết thủ tục hành chính và xử lý hồ sơ công việc còn phụ thuộc nhiều vào giấy tờ, quy trình thủ công; Việc xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các CSDL quốc gia tạo nền tảng phục vụ phát triển CPĐT còn chậm (đặc biệt là CSDL quốc gia về dân cư, CSDL đất đai quốc gia), chưa đáp ứng yêu cầu phát triển CPĐT; Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng CNTT tại một số địa phương, nhất là tuyến huyện, xã nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng đã được đầu tư từ lâu, chưa được nâng cấp kịp thời; năng lực hệ thống, trang thiết bị nhiều nơi hạn chế; Các Bộ, ngành, địa phương còn dùng nhiều phần mềm, nền tảng khác nhau gây khó khăn trong chia sẻ, tích hợp dữ liệu dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp; Nguồn nhân lực CNTT trong các cơ quan nhà nước nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; Kinh phí chi cho hoạt động ứng dụng CNTT chưa được bảo đảm thực hiện các Kế hoạch ứng dụng CNTT đã được duyệt; đầu tư cho an toàn, an ninh mạng còn hạn chế.

Để bảo đảm sự thành công và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về CPĐT để chỉ đạo, điều phối, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về CPĐT, trực tiếp chỉ đạo các công việc thường xuyên của Ủy ban. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông là Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CPĐT, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng CPĐT.

Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm quản lý nhà nước về CNTT, CPĐT, giúp Chính phủ xây dựng, quản lý, vận hành hạ tầng ứng dụng CNTT, Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia và các hệ thống thông tin, dữ liệu dùng chung do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng CPDT.

Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm triển khai ứng dụng CNTT phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ xây dựng CPĐT của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai một số nhiệm vụ xây dựng CPĐT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (Trục liên thông văn bản quốc gia; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia; Hệ thống thông tin tham vấn chính sách và văn bản QPPL và Công Dịch vụ công quốc gia).

Đề cập tới lộ trình triển khai trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển CPĐT, ngày 07/3/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển CPĐT giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi là Nghị quyết 17/NQ-CP). Nghị quyết 17/NQ-CP đề ra mục tiêu nâng xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên Hợp Quốc tăng từ 10 đến 15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng CPĐT theo đánh giá của Liên hợp quốc đến năm 2025. Nghị quyết 17/NQ-CP cũng đã đề ra danh mục các nhiệm vụ, dự án cụ thể, có tiến độ rõ ràng để giao các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó xác định thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, xây dựng thể chế hoàn thiện khung pháp lý xây dựng CPĐT: Nghị định về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Nghị định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, tổ chức; Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định thay thế Nghị định số 110/2004/NĐ-CP ngày 08/4/2004 của Chính phủ về công tác văn thư, nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Chính phủ điện tử.

Thứ hai, ưu tiên triển khai các hệ thống nền tảng phát triển CPĐT, bao gồm: ban hành Khung Kiến trúc CPĐT, phiên bản 2.0; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống xác thực điện tử quốc gia; CSDL quốc gia về dân cư; CSDL đất đai quốc gia; các hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Hệ thống báo cáo quốc gia.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất giải pháp thực hiện nâng cao xếp hạng hạ tầng viễn thông, nâng cao xếp hạng nguồn nhân lực CNTT và truyền thông để nâng cao chỉ số phát triển CPĐT theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc.

Thứ tư, nghiên cứu, đề xuất giải pháp huy động nguồn lực (doanh nghiệp đầu tư, nhà nước thuê dịch vụ; hợp tác công tư, kinh phí sự nghiệp...), giải pháp sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho xây dựng CPĐT.

Thứ năm, tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng CPĐT, triển khai các hệ thống, công cụ giám sát, đánh giá thực thi cho các giải pháp CPĐT.

Trả lời về vấn đề trẻ mồ côi trên cả nước không có sổ hộ khẩu và chứng minh thư, Thủ tướng Chính phủ cho biết, vấn đề trẻ mồ côi trên cả nước không có sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân không chỉ là vấn đề dữ liệu mà còn liên quan đến các quy định trong Luật về thủ tục, giấy tờ để xác minh nhân thân, nơi ở của công dân khi công dân yêu cầu cấp sổ hộ khẩu, căn cước công dân.

Theo quy định của Luật Cư trú 2006, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013, Luật Căn cước Công dân năm 2016, Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cư trú; về căn cước công dân, CSDL quốc gia về dân cư và CSDL căn cước công dân; Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách CNTT có liên quan về CSDL quốc gia về dân cư. Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang được giao phát triển Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia để phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương. Việc kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu sẽ giúp cho công dân, trong đó bao gồm cả trẻ em mồ côi, được hỗ trợ tốt hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan quản lý nhà nước tại Trung ương và địa phương./.

Bích Lan

Các bài viết khác