ĐBQH NGÔ THỊ MINH CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG BÊ TÔNG HÓA TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

16/05/2020

Trước tình trạng “bê tông hóa” nông thôn diễn ra tại không ít vùng quê trong quá trình xây dựng Nông thôn mới do chưa coi trọng văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch vùng, đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cho biết giải pháp khắc phục tình trạng này.

Chất vấn của đại biểu Quốc hội Ngô Thị Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết giải pháp cụ thể để khắc phục, uốn nắn tình trạng “bê tông hóa, đô thị hóa” đang diễn ra tại không ít vùng quê trong quá trình xây dựng “Nông thôn mới” do chưa coi trọng văn hóa truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương.

Đại biểu Ngô Thị Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (ban hành theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ), tiêu chí số 2 về Giao thông được giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể, Trung ương chỉ đưa ra yêu cầu chung: i) Đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; ii) Đường trục thôn, bản, ấp và đường liên thôn, bản, ấp ít nhất được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; iii) Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; iv) Đường trục chính nội đông đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm.

Trên thực tế, khá nhiều địa phương (nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ) đưa ra yêu cầu đạt chuẩn cao hơn quy định của Trung ương, trong đó, một số nơi có tình trạng “bê tông hóa” nông thôn như đại biểu phản ánh.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, về việc này, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia đã nêu trong hạn chế của Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đồng thời có giải pháp khắc phục trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể là sẽ có chính tiêu chí Giao thông trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đảm bảo sử dụng vật liệu phù hợp, theo hướng giữ gìn đứng cảnh quan và bản sắc của nông thôn Việt Nam, đồng thời phục vụ cho phát III du lịch nông thôn về lâu dài.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

Về hệ thống giao thông gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu của sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và gắn với giải quyết việc làm tại chỗ cho thanh niên địa phương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận nội dung Đại biểu phản ánh là chính xác và đây cũng là yêu cầu đặt ra trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020.

Thực tế cho thấy, nếu không đảm bảo sự kết nối giao thông thông suốt giữa quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ... với các vùng nguyên liệu thì khó có thể tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, khi đó, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội việc làm của lao động nông thôn nói chung và thanh niên nông thôn nói riêng, cũng như thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở các vùng sâu, vùng xa.

Vì vậy, trong năm 2020, khi đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tiêu chí Giao thông gắn với vùng nguyên liệu sản xuất sẽ được đề cập để đảm bảo thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn./.

Bảo Yến