ĐBQH TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ QUỐC HOA VIỆT NAM

19/05/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ về đặt vấn đề công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam?

 

Vẻ đẹp bình dị của Hoa sen

Hoa sen trong tiềm thức người Việt

Việt Nam có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài hoa tồn tại và phát triển, là một trong những cái nôi của các loài hoa trên thế giới. Hoa có giá trị gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và rất gần gũi với mọi người Việt Nam trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa công bố Quốc hoa. Vấn đề lựa chọn Quốc hoa cho Việt Nam đã và đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Trên thế giới, một số nước chọn con vật làm biểu tượng văn hóa, nhưng có một "trường phái" khá phổ biến là chọn hoa làm biểu tượng văn hóa xứ sở mình với khái niệm "Quốc hoa"- như là sứ giả văn hóa của đất nước. Nếu Hồng Kông công bố chọn hoa tử kinh làm quốc hoa và ngoài việc trồng hoa này khắp thành phố, còn dựng cả một tượng đài hoa tử kinh bằng vàng để tôn vinh loài hoa này thì Nhật Bản lại ca tụng hoa Anh đào đến mức thành danh "xứ hoa Anh đào", nhưng loài hoa chính thống của Hoàng cung lại là hoa Cúc.… Tiểu bang và quần đảo du lịch nổi tiếng của Hoa Kỳ là Ha-oai chọn loài hoa mang tên Flet, có cánh dày màu trắng hồng hơi giống hoa sứ. Các cô gái Ha-oai đều cài hoa này trên mái tóc.

 PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội

Theo thống kê chưa đầy đủ, trên thế giới, có 97 nước có biểu tượng Quốc hoa. Trong số này, riêng Vương quốc Anh có 4 biểu tượng Quốc hoa (của Anh, xứ Uên, Bắc Ai–len và Xcốt-len), nâng tổng số biểu tượng Quốc hoa của các nước trên thế giới lên con số 100. Một số loài hoa được nhiều nước lấy làm biểu tượng Quốc hoa. Ví dụ, hoa Hồng có đến 10 nước chọn làm Quốc hoa. Một số nước lấy biểu tượng chung là hoa Hồng. Một số nước khác lấy một loài hoa Hồng cụ thể làm Quốc hoa. Hoa Tuy-líp cũng là loài hoa được nhiều nước lấy làm Quốc hoa. Hoa Lan, do có nhiều loài khác nhau, nên có số lượng nước lấy làm Quốc hoa tương đối cao. Một số loài hoa khác cũng được vài nước chọn làm Quốc hoa. Đặc biệt, hiện nay theo thống kê, hoa sen có 3 nước lấy làm biểu tượng Quốc hoa. Đó là Ấn Độ, Xri Lan-ka và Việt Nam (Việt Nam tuy chưa chính thức công nhận hoa Sen là Quốc hoa nhưng đã được niêm yết vào danh mục Quốc hoa của các nước).

Theo PGS.TS Dương Văn Sáu - Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, mặc dù đến nay Việt Nam chưa công bố Quốc hoa. Nhưng từ lâu, hoa sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, tính thích dụng trong đời sống tinh thần và vật chất của con người, biểu tượng bản sắc văn hóa, cốt cách của con người Việt Nam, đã được người Việt Nam ca tụng, tôn vinh như một Quốc hoa.

Đối với người Việt Nam, hoa sen ngoài vẻ đẹp tự nhiên, hương thơm, hữu sắc, còn có ý nghĩa gắn liền với nền văn hóa dân tộc Việt là nền văn minh lúa nước. Hoa Sen cũng là sản vật sống ở nước, gần gũi với cây lúa. Hoa Sen có mặt khắp mọi nơi trên đất nước. Từ Bắc vào Nam, hoa Sen có mặt khắp mọi nơi, gần gũi và thân thiết với mọi người như cây lúa, cây tre, cây đa. Nếu như miền Bắc, Sen chỉ nở vào mùa hạ, thì ở miền Nam quanh năm đâu đâu cũng thấy Sen khoe sắc thắm. Trong mỗi người dân Việt Nam, sen là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang và thuần khiết mang tính dân tộc. Không chỉ vậy, sen có sức sống mãnh liệt đến kỳ lạ: Mọc trong bùn, sống trong nước và vươn lên dưới ánh mặt trời để nở hoa kết trái. Sen tượng trưng cho bản tính tự thích nghi, thân thiện, phong thái tao nhã, tinh thần vươn dậy trong mọi hoàn cảnh của con người Việt Nam.

Đề án “Quốc hoa Việt Nam”

Ngay từ năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án "Quốc hoa Việt Nam". Trong các đề cử, hoa sen được đại đa số nhân dân Việt Nam yêu thích, xứng đáng được tôn vinh là Quốc hoa Việt Nam.

Qua việc nghiên cứu về Quốc hoa nhiều nước trên thế giới, kết quả nghiên cứu, điều tra khảo sát, lấy ý kiến trên mạng Internet của các nhà văn hóa, khoa học, nhà quản lý và dư luận nhân dân về Quốc hoa của Việt Nam cho thấy Quốc hoa của Việt Nam phải là loài hoa thể hiện được nhiều tiêu chí. Trước hết đó là loại hoa có nguồn gốc hoặc được trồng lâu đời ở Việt Nam. Là loài hoa tiêu biểu, dễ trồng, phát triển được ở nhiều vùng, miền đất nước. Quốc hoa thể hiện được bản sắc văn hóa, cốt cách và tinh thần con người Việt Nam; được sử dụng làm hình tượng trong văn học, nghệ thuật (trong văn thơ, truyền thuyết, lễ hội, trong các công trình điêu khắc, hội họa, kiến trúc). Quốc hoa còn phải đẹp về hình thức và màu sắc, có hương thơm; có giá trị sử dụng cao, mang lại lợi ích trong đời sống, kinh tế-xã hội. Quan trọng hơn cả là loài hoa đó được đông đảo người dân yêu thích, sử dụng và tôn vinh.

Trong năm 2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức bình chọn trực tiếp "Quốc hoa Việt Nam" ở cả 3 miền. Qua kết quả nghiên cứu, bình chọn trực tiếp và qua mạng, hoa sen luôn có tỷ lệ số phiếu được bình chọn cao nhất trong tất cả các loài hoa (đào, mai, gạo, cây tre…). Ở Việt Nam, hoa sen không chỉ là loài hoa gần gũi, thân thiết mà còn là loài hoa tượng trưng cho vẻ đẹp tươi sáng, cao sang, thuần khiết.

Hoa sen hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành Quốc hoa của Việt Nam

Trong văn bản trả lời gửi đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phân tích, Quốc hoa sẽ là biểu tượng văn hoá của một đất nước, được toàn dân tôn vinh, dùng trong các ngày lễ tết, giao lưu văn hoá, nhất là trong giao lưu đối ngoại, nhằm tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc. Việt Nam có điều kiện địa lý, khí hậu thuận lợi cho nhiều loài hoa tồn tại và phát triển. Hoa có giá trị gắn bó với đời sống vật chất, tinh thần và rất gần gũi với mọi người Việt Nam trong đời sống hàng ngày.

Hoa sen hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Quốc hoa của Việt Nam

Theo Thủ tướng, từ lâu hoa sen với những đặc tính ưu việt nổi trội về hương sắc, khả năng sống và phát triển, mang nhiều biểu tượng văn hoá, cốt cách của con người Việt Nam, hội tụ nhiều yếu tố để trở thành Quốc hoa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc lựa chọn hoa sen là Quốc hoa cần được tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, bài bản, đảm bảo tính khoa học, tính xã hội và nhận được sự đồng thuận chung của cả nước.

Lãnh đạo Chính phủ cho biết đã giao Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng đề án “Quốc hoa Việt Nam”. Trong thời gian tới, Thủ tướng sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện đề án, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và ý kiến của đông đảo người dân để có thể lựa chọn được Quốc hoa của Việt Nam.

Đề nghị sớm công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam

Đồng tình và đánh giá cao văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tin tưởng với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ sớm có Quốc hoa.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Vậy cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào vấn đề nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội XIV, tôi đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về nội dung xây dựng đề án phát triển cây sen và xác định hoa sen là quốc hoa của Việt Nam? Đồng thời, nêu lên vấn đề làm sao để các sản phẩm dệt từ tơ sen Việt Nam có điều kiện phục vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN từ năm 2020?

Phóng viên: Xuất phát từ lý do nào đại biểu lại chất Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển và lựa chọn hoa sen làm Quốc hoa?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gửi cho tôi Đề án hoa sen do Bộ đã thực hiện từ năm  2009 và đến năm 2012 Bộ đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận hoa sen là quốc hoa của Việt Nam. Thực tế, trên thế giới đã có 97 quốc gia công bố quốc hoa, trong đó, có nước lựa chọn 1 loài hoa nhưng có nước công nhân từ 2 đến 3 loại hoa làm Quốcc hoa.

Ở Việt Nam, chưa công nhận Quốc hoa. Qua theo dõi việc lấy ý kiến người dân thông qua hình thức bầu chọn trên mạng từ các Bộ ngành thì phần lớn các ý kiến đều ủng hộ với dề xuất của Bộ Văn hóa lấy Quốc hoa là hoa sen hồng Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng có 1 số ý kiến khác lấy hoa khác nhưng tỷ lệ rất nhỏ còn tuyệt đại bộ phận đều đề nghị lấy hoa sen làm Quốc hoa. Như vậy, Đề án hoa sen là có từ trước nhưng chưa được công nhận. 

Ngoài ra, tôi cảm nhận hoa sen có vị trí đặc biệt quan trọng trong tiềm thức người Việt, là biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Sen chẳng những là biểu tượng cho tinh thần, cốt cách, bản sắc văn hóa mà còn gần gũi, thông dụng trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam. Hoa, nụ, nhụy, hạt, lá và thân, rễ sen đều là những vật liệu dùng để chế biến những món ẩm thực ngon và các loại thuốc quý. Hoa sen xứng đáng được tôn vinh là Quốc hoa của Việt Nam. Vì vậy, tôi muốn chất vấn Thủ tướng nhằm nêu lại vấn đề này để Việt Nam sớm có Quốc hoa.

Phóng viên:  Sau khi đại biểu chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời đại biểu, vậy đại biểu có hài lòng với phần trả lời của Thủ tướng Chính phủ?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi rất vui mừng khi nhận được văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Qua nghiên cứu văn bản, tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng khẳng định, hoa sen hội tụ nhiều yếu tố để có thể trở thành Quốc hoa của Việt Nam, nhưng việc lựa chọn Quốc hoa cần được tiến hành kỹ lưỡng, bài bản. Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ và  mong việc này phải được giao cụ thể cho Bộ, ngành có liên quan sớm triển khai trên thực tế.

Phóng viên: Đại biểu có kỳ vọng gì nếu hoa sen được công nhận là Quốc hoa của Việt Nam?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Việt Nam đang trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, phát triển kinh tế, xã hội, giao lưu và hội nhập quốc tế. Do vậy, việc công bố Quốc hoa của Việt Nam là cần thiết và cấp bách. Quốc hoa Việt Nam là biểu tượng văn hóa của Việt Nam, được toàn dân tôn vinh, dùng trong các ngày lễ tết, sinh hoạt hằng ngày, giao lưu gặp gỡ trong nhân dân, nhất là trong giao lưu đối ngoại, nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa Việt. Quốc hoa Việt Nam là di sản văn hóa Việt Nam. Giữ gìn, nhân rộng và phát triển Quốc hoa góp phần vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa của đất nước. Bên cạnh đó, nếu được công nhận thì đây là cơ hội để cho chúng ta có thể quy hoạch lại các vùng trồng sen và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc trồng, chế biến, sản xuất kinh doanh, phát triển du lịch từ cây sen. Từ đó, giúp cải thiện đáng kể đời sống của bà con nông dân vùng đồng chiêm trũng.

Hoa sen với những đặc tính sinh học, nét đẹp về hình thức, màu sắc, hương thơm, tính hữu dụng trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày, biểu tượng cho đất nước và con người Việt Nam, từ lâu đời được đại đa số nhân dân Việt Nam yêu thích và tôn vinh. Cũng như Quốc ca Quốc hoa mang ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự tự hào của toàn dân tộc, khẳng định chủ quyền quốc gia trong tiến trình hội nhập quốc tế. Cử tri kỳ vọng, sau chất vấn của Đại biểu, Việt Nam sẽ sớm có Quốc hoa được công bố.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Lê Anh