ĐBQH TRƯƠNG QUANG NGHĨA CHIA SẺ VỀ DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT THÍ ĐIỂM THỰC HIỆN MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ VÀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP. ĐÀ NẴNG

23/05/2020

Sau khi nghe Quốc hội cho ý kiến đối với Dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng đã có bài chia sẻ về nội dung trên.

 

Ông Trương Quang Nghĩa, Trưởng đoàn ĐBQH Tp.Đà Nẵng (ngồi giữa) cùng các đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ 9

Bí Thư thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Đà Nẵng gửi lời cảm ơn Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đã dành nhiều sự quan tâm, có ý kiến thẩm định, góp ý hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết, để hôm nay (23/5), Dự thảo Nghị quyết được trình ra Quốc hội; đồng thời, cảm ơn các vị Đại biểu Quốc hội đã quan tâm, tham gia đóng góp nhiều ý kiến quý báu giúp xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

1. Được sự quan tâm của Trung ương, thành phố Đà Nẵng đã được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với Nghị quyết số 43-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước; đồng ý chủ trương để thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố.

2. Với ý thức trách nhiệm của mình, Tp. Đà Nẵng đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị một cách nghiêm túc, khẩn trương; trong đó, đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, Trung ương xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, để tham mưu Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này.

- Dự thảo Nghị quyết đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các bộ, ban, ngành, Trung ương, các chuyên gia, các nhà khoa học. Đặc biệt, đã xây dựng Đề án điều tra xã hội học trên địa bàn thành phố đối với việc tổ chức chính quyền đô thị và nhận được ý kiến đồng tình, ủng hộ cao của người dân; theo đó, có hơn 72,8% người được khảo sát ngẫu nhiên trả lời mong muốn lựa chọn mô hình CQĐT Đà Nẵng tổ chức theo hướng tổ chức chính quyền thành phố 01 cấp ở các quận nội thành và 02 cấp ở nông thôn (huyện Hòa Vang).

- Việc lựa chọn thí điểm tổ chức mô hình CQĐT nêu trên phù hợp với Hiến pháp, Luật tổ chức chính quyền địa phương; phù hợp với đặc điểm, tính chất quản lý đô thị trên địa bàn quản lý nhỏ gọn, số lượng đơn vị hành chính cấp quận ít như Đà Nẵng (có 6 quận), nên việc thí điểm CQĐT theo phương án này tạo thuận lợi nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước và cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

- Đối với việc xây dựng các cơ chế, chính sách trong dự thảo Nghị quyết đã được tiến hành rất khẩn trương, công phu, trải qua nhiều khâu, nhiều giai đoạn, được các bộ, ngành liên quan thẩm định, cho ý kiến trước khi trình Chính phủ thống nhất thông qua, để trình Quốc hội.

3. Trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp này, Dự thảo Nghị quyết đã được UBTVQH và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức họp ( các phiên họp thứ 44,45 ) để nghe và cho ý kiến hoàn chỉnh nên đảm bảo về mặt quy trình, cũng như chất lượng dự thảo Nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết lần này đã tiếp thu một cách toàn diện các nội dung thẩm định, góp ý của UBTVQH. Vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Tp. Đà Nẵng kính mong Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, để Tp. Đà Nẵng phát triển theo đúng định hướng, vị trí, tầm quan trọng của thành phố đã được Bộ Chính trị xác định tại Nghị Quyết số 43-NQ/TW; phù hợp với kỳ vọng của người dân đối với sự phát triển Tp. Đà Nẵng trong thời gian tới.

Dự thảo Nghị quyết là điều kiện để Đà Nẵng đóng góp nhiều hơn, xứng đáng hơn cho đất nước trong quá trình phát triển; đồng thời qua việc thí điểm mô hình CQĐT sẽ đúc kết và có những đóng góp quan trọng cho quá trình nghiên cứu, xây dựng thể chế pháp lý trong quá trình phát triển chung của các đô thị ở nước ta; góp phần đưa Tp. Đà Nẵng phát triển trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế-xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung-Tây Nguyên; là thành phố giàu đẹp, an bình; hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống mà Trung ương đã xác định tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị./.

Hoàng Yến (ghi)