ĐẠI BIỂU TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH CHẤT VẤN THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ PHÁT TRIỂN CÂY SEN

27/05/2020

Xuất phát từ mong muốn giúp người nông dân nghèo ở những vùng đất trũng ngập nước, đầm lầy nước đọng có sinh kế ổn định, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển cây sen.

 

Lụa từ tơ sen

Đến làng nghề dệt Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Thành Phố Hà Nội, hỏi thăm nhà nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - làm lụa chắc hẳn ai cũng biết. Sinh ra trong chiếc nôi làm nghề canh cửi, ngay từ khi 6 tuổi, bà Thuận đã biết hái dâu nuôi tằm và đến nay, chưa có ngày nào bà rời xa nong tằm, nong kén. Tâm huyết với nghề truyền thống, bà không ngừng sáng tạo, từ việc cho tằm tự đan tơ, rồi mới đây nhất, bà đã cho ra sản phẩm lụa từ tơ sen, lần đầu tiên có ở Việt Nam.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận “bén duyên” với việc sử dụng nguyên liệu tơ sen để dệt rất tình cờ. Bà Thuận cho biết, truyền thống của gia đình bà từ trước tới nay chỉ dùng sợi tơ tằm để dệt vải. Đến năm 2016, được gặp gỡ với đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh và được Viện Kinh tế sinh thái Việt Nam (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) đề nghị phối hợp thực hiện Đề tài: “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình sản xuất sợi từ cuống lá sen” với sự hợp tác của một số nghệ nhân của Myanmar, bà đã bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất sản phẩm từ tơ sen.

Đầm sen khai thác làm sợi ở huyện Mỹ Đức

Các công đoạn tạo ra sợi tơ sen đều rất cầu kỳ và tỉ mỉ. Cuống sen sau khi được ngắt trực tiếp từ đầm phải rửa qua 2 lớp nước để làm sạch bùn và gai. Cuống sạch thì tơ mới sạch và đẹp. Để lấy được tơ sen, phải dùng dao khứa xung quanh cuống sen, rồi dùng tay vặn và kéo tơ, đồng thời vê cho sợi tơ sen tròn lại. Nếu cắt quá sâu sẽ làm đứt luôn phần sợi tơ bên trong cuống sen nên đòi hỏi đôi bàn tay người nghệ nhân phải rất khéo léo. Sau khi quay sợi thành ống, tơ sen được đưa vào máy se rồi mắc lên trục con thoi để dệt thành sợi ngang.

Với sự tỉ mỉ cộng với đôi bàn tay khéo léo, nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận đã biến những sợi tơ sen mỏng manh thành những chiếc khăn quàng cổ được nhiều khách hàng trong và nước ngoài ưa chuộng. Những chiếc khăn mang mùi thơm rất đặc trưng, nhẹ nhàng tinh khiết của hương sen. Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận cho biết, để dệt một chiếc khăn quàng cổ dài 1,7m, khổ rộng 0,36 m, phải cần tới 9.200 cuống sen. Như vậy, một chiếc khăn quàng cổ cũng ngót nghét mất gần 1 tháng trời, vì vậy sản phẩm từ tơ sen có giá thành cao hơn tơ tằm rất nhiều.

Lấy sợi từ tơ sen

Nghệ nhân Phan Thị Thuận luôn mong muốn các sản phẩm từ tơ sen của Việt Nam sẽ có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, đưa thương hiệu tơ lụa sen ra thế giới, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động và đặc biệt là giữ gìn và phát huy nghề truyền thống ông cha để lại . Chị Nguyễn Thị Xoa, một nhân công tại xưởng dệt chia sẻ, nhờ có nghệ nhân Phan Thị Thuận phát triển nghề dệt, không chỉ dệt từ tơ tằm còn dệt từ sợi tơ sen đã giúp bà con nông dân trong thôn xóm có việc làm và thu nhập ổn định ngay trên mảnh đất quê hương.

Nghiên cứu, áp dụng và đưa vào sản xuất lụa tơ tằm từ tơ sen là dự án mang tính quốc gia nhưng công việc thực sự được bắt đầu từ đôi bàn tay cần mẫn và sự nỗ lực của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Những thước lụa tơ sen đầu tiên được ra đời tại Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây. Việc hướng dẫn lớp trẻ thực hiện việc rút tơ sen một cách bài bản, thành những lớp học được đầu tư cũng bắt đầu từ đây dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận. Hiện tại, người thợ giỏi nhất, chăm chỉ làm cả ngày cũng chỉ rút được 200 cọng sen một ngày.

Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận 

Trước khi việc nghiên cứu trồng sen thành công trên cả nước và việc tận dụng nguồn nguyên liệu khổng lồ bị bỏ phí, gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước bao lâu nay từ thân cây sen đưa vào sản xuất tơ lụa thì hiện tại nghệ nhân Phan Thị Thuận vẫn huy động mua thu gom những thân sen thải đi trong khắp các khu đầm quanh Phùng Xá với giá 1.000 đồng cho mỗi thân cây sen để đưa về rút tơ, sản xuất lụa tơ sen, tạo ra những sản phẩm đắt đỏ, quý giá tựa vàng ròng.

Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Hình thành vùng chuyên trồng sen, kết hợp với du lịch, các ngành nghề dịch vụ tại một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây sen.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam thúc đẩy quảng bá các hàng hoá sản xuất trong nước, ưu tiên trước hết các sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt Nam như sen tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen

Từ lâu, cây sen đã gắn bó với đời sống người nông dân Việt Nam như một lẽ tự nhiên với sức sống trường tồn. Hoa sen là biểu tượng cho đất nước, con người Việt Nam; đài sen, củ sen, lá sen và cả cây thân sen giúp bà con nông dân phát triển kinh tế. Vậy, việc đẩy mạnh đề án phát triển cây sen sẽ có ý nghĩa như thế nào? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc phỏng vấn với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội về nội dung này.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Phóng viên: Thưa đại biểu, được biết tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có câu hỏi chất vấn đối với Thủ tướng Chính phủ. Vậy cụ thể nội dung chất vấn được tập trung vào khía cạnh nào?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV tôi đã chất vấn Thủ tướng về nội dung xây dựng đề án phát triển cây sen. Đồng thời, nêu lên vấn đề làm sao để các sản phẩm dệt từ tơ sen Việt Nam có điều kiện phục vụ quảng bá hình ảnh Việt Nam khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN từ năm 2020?

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây sen?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Sở dĩ tôi đặt vấn đề chất vấn Thủ tướng là xuất phát từ hai lý do cơ bản: Thứ nhất, khi tìm hiểu về cây sen thì thấy cây sen trồng ở Việt Nam từ rất lâu. Các bộ phận của cây sen từ hoa, đài sen, lá sen, củ sen,…đều được tận dụng để phục vụ cho văn hóa ẩm thực trở thành những món ăn đặc sản ở làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, còn một yếu tố là tơ trong cọng lá chưa được sử dụng. Đồng thời, cũng nhân tình cờ được biết tại Myanma cũng đã sử dụng tơ sen để phát triển thành nghề dệt, tôi đã tìm hiểu về vấn đề này và luôn trăn trở phát triển nghề dệt từ sợi tơ sen ở Việt Nam. Thực tế, nước ta trồng rất nhiều sen và đã sử dụng hết tất cả các bộ phận từ cây sen nhưng riêng về tơ sen ở thân dọc thì mình bỏ phí nhiều quá. Vì vậy, tôi mới tìm hiểu và được sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ và  các nhà Khoa học, tiến hành đề xuất nghiên cứu đề tài về phát triển dệt vải từ tơ sen. Từ đề tài nghiên cứu có thể thấy giá trị của tơ sen nếu mà mình biết khai thác thì đưa lại lợi nhuận rất cao, đồng thời việc thu hái thân thân sen cũng sẽ giúp vừa bảo vệ môi trường.

Thứ hai, trong quá trình đi tiếp xúc cử tri, đặc biệt là bà con nông dân vùng đồng chiêm trũng, nhận thấy thực tế việc canh tác khó khăn dẫn đến đời sống bấp bênh. Tôi mới thấy việc phát triển cây sen là vô cùng cần thiết. Tôi đã báo cáo với cấp ủy chính quyền địa phương đề tài này sẽ giúp bà con thay đổi cuộc sống, thu nhập. Lãnh đạo huyện Mỹ Đức đã dẫn tôi đến làng nghề truyền thống và gặp gỡ nghệ nhân Phan Thị Thuận, người nghệ nhân tâm huyết với nghề tơ tằm. Qua trao đổi, nghệ nhân đã nhận lời nghiên cứu việc lấy sợi tơ sen để dệt lụa. Kết quả, đề tài thành công ngoài mong đợi, tôi đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì đây là kết quả hợp tác giữa hội hữu nghị nghị sỹ hai nước Việt Nam và Myanmar. Thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu báo cáo của tôi và gửi Thường trực Chính phủ để đề  nghị phát triển cây sen làm nguyên liệu cho ngành dệt may, nếu làm tốt sẽ giúp thay thế việc nhập nguyên liệu như hiện nay.

Phóng viên: Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy đại biểu có đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Thủ tướng?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội:

Tôi rất vui mừng khi nhận được văn bản trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ. Qua nghiên cứu văn bản, tôi hoàn toàn đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời của Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Đây sẽ là cơ hội để hình thành vùng chuyên trồng sen, kết hợp với du lịch, các ngành nghề dịch vụ tại một số vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây sen. Với chủ trương phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen, tôi cũng hy vọng việc lấy sợi tơ sen sẽ được nhân rộng và trở thành nguồn nguyên liệu cho ngành dệt.

Phóng viên: Theo ý kiến của đại biểu, việc thúc đẩy phát triển, trồng và chế biến các sản phẩm từ cây sen sẽ có tác động như thế nào đến đời sống bà con ở những vùng đất trũng ngập nước?

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi nhìn thấy rõ sự phấn khởi của bà con nông dân. Riêng, tại Mỹ Đức, người dân rất đồng tình và tự nguyện giao đất cho nghệ nhân Phan Thị Thuận để tổ chức triển khai việc trồng sen. Kết quả, bước đầu rất đáng ghi nhận, nhờ tâm huyết của nghệ nhân, sự đồng lòng của bà con những sản phẩm đầu tiên dệt từ tơ sen đã ra đời và gây tiếng vang. Ngoài ra, đối với các địa phương khác, tôi cho rằng nên có văn bản kiến nghị cần có bố trí vùng trồng sen để tới đây trong quá trình nghiên cứu tiếp theo sẽ hình thành làng nghề chuyên sen vừa sản xuất, chế biến vừa thu hút du lịch. Nếu triển khai và nhân rộng tốt đề án sẽ hoàn toàn phù hợp với nguyện vọng, tâm tư của người dân vùng chiêm trũng, góp phần đổi đời và tạo nên bộ mặt mới cho xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Đồng tình và đánh giá cao nội dung trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh kỳ vọng: từ nay đất nước có thêm những đề án mới, thiết thực giúp ích cho người nông dân nghèo ở những vùng đất trũng ngập nước, đầm lầy nước đọng, sinh kế khó khăn. Từ nay, có thêm các nghề mới từ việc trồng, chế biến các sản phẩm từ sen, giúp cho các nhà quản lý, cán bộ ngoại giao, chuyên gia văn hoá và các tầng lớp nhân dân có điều kiện thể hiện, phát huy hơn nữa hình tượng hoa sen, đề cao bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam trong hội nhập quốc tế./.

Lê Anh