ĐBQH DƯƠNG MINH TUẤN CHO Ý KIẾN VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐỂ HOÀN THIỆN DỰ ÁN LUẬT DOANH NGHIỆP(SỬA ĐỔI)

28/05/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã cho ý kiến về một số nội dung để hoàn thiện Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Đại biểu Dương Minh Tuấn tham gia phát biểu từ điểm cầu tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Cơ bản thống nhất với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp(sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Dương Minh Tuấn tham gia phát biểu về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau để hoàn thiện Dự án Luật.

Thứ nhất, về hộ kinh doanh, với trên năm triệu hộ kinh doanh, trong đó trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế, trên 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ, giải quyết 7.945 triệu lao động, tỷ lệ 13% doanh thu của các loại hình doanh nghiệp chiếm khoảng 30% GDP. Do vậy, theo đại biểu rất cần thiết và xin thống nhất nâng việc quản lý hộ kinh doanh từ nghị định cụ thể là Nghị định 78 lên thành luật để hộ kinh doanh có địa vị pháp lý cao hơn. Mặc dù hộ kinh doanh là một chủ thể kinh doanh được pháp luật quy định bình đẳng với mọi loại hình kinh doanh khác, tuy nhiên hộ kinh doanh có rất nhiều điểm khác biệt. Đa số hộ kinh doanh hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ nên cần có luật phù hợp để điều chỉnh, tách hộ kinh doanh hành luật riêng để quản lý sẽ chặt chẽ hơn. Việc đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ không bao hàm hết nội dung hướng dẫn riêng để quản lý. Do đó, đại biểu thống nhất với quan điểm không đưa vào dự án Luật Doanh nghiệp các đều liên quan đến hộ kinh doanh.

Thứ hai, theo dự thảo Luật, khoản 3, Điều 192a có quy định đối với các hộ gia đình sản xuất nông, lâm ngư, diêm nghiệp, những người bán hàng rong, quà vặt, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh. Tôi còn hơi băn khoăn về điều khoản này. Đề nghị Ban soạn thảo điều tra, khảo sát thêm hiện nay có khoảng bao nhiêu phần trăm hộ gia đình làm ăn kinh doanh dưới những hình thức này? Như thế nào là thu nhập thấp? Quy định như vậy có tạo ra sự so bì giữa những cơ sở kinh doanh cùng ngành, nghề?

Mặt khác, nội dung này có thể làm cho các hộ giảm động cơ và không muốn phát triển vì nếu phát triển sẽ thành lập hộ kinh doanh và nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ theo quy định.

Thứ ba, về tính tương thích giữa Luật Doanh nghiệp với Luật Quản lý thuế. Theo Luật Quản lý thuế có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2020 tới đây, tại khoản 1 Điều 125 có quy định 7 biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, trong đó có hình thức thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) tại khoản 1 Điều 217 có quy định 5 trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong đó không có nội dung doanh nghiệp vi phạm trong lĩnh vực thuế. Do vậy, để đảm bảo tính tương thích, tránh xung đột giữa 2 luật, trân trọng đề nghị nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bổ sung thêm nội dung vi phạm về thuế là một trong các trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký.

Thứ tư, về thông báo mẫu dấu và con dấu của doanh nghiệp (Điều 43). Báo cáo ngày 20/5 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ hai, tức là đề nghị duy trì quy định về thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh như luật hiện hành. Đại biểu cho rằng đây là phương án lựa chọn thận trọng, phù hợp với đặc điểm, tình hình nước ta, tránh phát sinh tranh chấp trong các hợp đồng dân sự, đảm bảo tính chính danh cho doanh nghiệp.

Về con dấu, thực tiễn sinh động của các giao dịch thương mại diễn ra hằng ngày, hàng giờ, nhiều doanh nghiệp cũng rất mong muốn và chờ đợi sự tiếp tục thông thoáng trong khuôn khổ của nhà nước mà Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này là một điển hình. Nhiều nước trên thế giới hay những quốc gia gần với nước ta như Estonia, Malaysia, Hàn Quốc đã sử dụng chữ ký số từ những năm 2000.

Ở Việt Nam, những năm gần đây, Chính phủ cũng ban hành nhiều văn bản thúc đẩy thực hiện chính quyền điện tử liên thông với các địa phương. Do vậy, về con dấu, thống nhất với quan điểm dành cho doanh nghiệp quyền lựa chọn sử dụng con dấu cơ học hay chữ ký số, miễn sao tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đại biểu Dương Minh Tuấn nêu rõ, Luật Doanh nghiệp là đạo luật rất quan trọng trong hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta, có tác động trực tiếp đến sự phát triển của cộng đồng và doanh nghiệp. Các quy định của đạo luật này thể hiện sự tiên phong, dẫn đầu về tư duy cải cách qua các lần điều chỉnh luật từ phiên bản của Luật Doanh nghiệp đầu tiên năm 1999 đến phiên bản 2005, 2014. Cứ mỗi một lần sửa đổi đều là những mốc quan trọng trong phát triển kinh tế. Dự thảo lần này, nhiều điều khoản trong luật cho doanh nghiệp tính tự chủ, sáng tạo, giải quyết nhiều vấn đề bất cập trên thực tiễn. Đại biểu tin tưởng và hy vọng đạo luật sẽ tiếp tục tạo ra đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và góp phần phát triển kinh tế đất nước./.

Hồ Hương

Các bài viết khác